Đe dọa bởi cát tặc
Tận thu hay “cát tặc”? | |
Nỗi lo cát tặc | |
Cát tặc trên sông Thu Bồn |
Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Nam, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm môi trường và làm mất an ninh, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân tại các địa phương như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên nằm trên hai hệ thống sông chính là Thu Bồn và Vu Gia.
Nạn cát tặc dẫn đến tình trạng sạt lở làm mất đất sản xuất và hư hại nhà dân tại khu vực ven hệ thống sông Thu Bồn, khiến chính quyền địa phương đau đầu tìm biện pháp xử lý, để truy quét.
Nạn cát tặc dẫn đến tình trạng sạt lở làm mất đất sản xuất và hư hại nhà dân tại khu vực ven hệ thống sông Thu Bồn |
Mới đây, tại cuộc tiếp xúc với gần 300 cử tri 2 xã Đại Đồng, Đại Quang của huyện Đại Lộc đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa IX), nhiều người đã phản ánh và kiến nghị gay gắt về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại Hà Nha (xã Đại Đồng) và Đông Lâm (xã Đại Quang).
Các cử tri khẳng định, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp, sử dụng các phương tiện cơ giới ngày đêm khai thác cát tại các địa điểm nói trên. Vấn đề này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, gây mất đất sản xuất và ô nhiễm môi trường…
Điều đáng nói, sự việc đã diễn ra từ năm này sang năm khác, song không thấy chính quyền địa phương vào cuộc để xử lý.
Ở một khía cạnh khác, lợi dụng danh nghĩa DN được chính quyền cấp phép khai thác khoáng sản, song nhiều DN khai thác cát tràn lan, vượt ra ngoài giới hạn khu vực hoặc ở quá sâu so với mức cho phép. Tình trạng này gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Thực tế, hiện đang là mùa xây dựng, nên hàng chục điểm khai thác cát tại huyện Đại Lộc đang hoạt động suốt ngày đêm. Người ta dễ dàng phát hiện ra hàng loạt điểm khai thác cát dọc bờ Bắc, bờ Nam sông Thu Bồn.
Chính quyền “đau đầu”…?
Người dân xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) cũng đang rất bức xúc vì tình trạng khai thác cát làm ảnh hưởng đến đời sống tại khu dân cư. Vì sạt lở, nhiều nông hộ không còn đất sản xuất; thậm chí nhiều nhà cửa của người dân sống ven sông Thu Bồn có nguy cơ sạt xuống sông bất cứ lúc nào.
Người dân địa phương lo lắng, tình trạng sạt lở mạnh bắt đầu xuất hiện từ năm 2011 và ngày càng nghiêm trọng, khi các DN khai thác cát đặt ống hút trực tiếp tại khu vực sông này. Người dân không biết DN có được cấp phép khai thác hay không mà hút cát cả ngày lẫn đêm. Vào ban đêm, mấy chục ghe hút cát tập trung tại khúc sông Thu Bồn như đại công trường, ồn ào náo động.
Ngoài việc hút cát dưới lòng sông, tại khu vực thôn Phú Lạc, việc múc cát các bãi bồi ở xã Duy Hòa cũng trong tình trạng tương tự. Một người dân cho hay, gia đình có hơn 1.500m2 đất trồng hoa màu ở khu vực bãi bồi, nhưng với thực trạng này không biết đất sẽ bị mất đi lúc nào.
Điều đáng nói nữa, việc khai thác cát gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gần 100 hộ dân của xã Duy Hòa. Bức xúc về tình trạng này, nhiều lần các hộ dân cùng nhau ra bãi bồi ngăn chặn các xe múc cát và xe chở cát, đã có lần người dân xảy ra xô xát với đơn vị khai thác cát. Gần đây nhất, ngày 23/8/2016, bức xúc trước việc khai thác cát của Công ty TNHH Phạm Thăng Long tại khu vực bãi bồi thôn Phú Lạc, hơn 30 hộ dân ra ngăn chặn.
Theo lãnh đạo xã Duy Hòa, địa phương nhiều lần kiến nghị lên Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Duy Xuyên về tình trạng này. Sau đó, các cơ quan chức năng tổ chức truy quét những đối tượng khai thác cát trái phép nhưng… không phát hiện được trường hợp nào?!
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Từ nay đến cuối năm 2016, tỉnh Quảng Nam sẽ siết chặt việc cấp phép mới khai thác khoáng sản và không tiếp nhận hồ sơ khi chưa có kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp gia hạn chỉ được xem xét giải quyết khi đơn vị đã chấp hành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung toàn lực cho công tác rà soát, kiểm tra để phục vụ cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoáng sản. |