Cát tặc trên sông Thu Bồn
“Rút ruột” dòng sông
Ở những khu vực này, cát tặc thường xuyên sử dụng thuyền lớn lén lút khai thác vào ban đêm, làm chuyển đổi dòng chảy, sạt lở đôi bờ, bồi lấp cửa sông… gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhu cầu tăng cao nên vấn nạn cát tặc diễn biến phức tạp |
Tại khu vực gần cầu Câu Lâu, bắc qua sông Thu Bồn, giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải vận chuyển cát trái phép đi bán cho các công trình. Theo nhiều người dân địa phương, sở dĩ cát tặc tập trung nhiều ở đây do khu vực này cát sạch, không nhiễm mặn, tốt cho việc xây dựng, trên thị trường bán rất được giá. Việc hút cát, mua bán diễn ra công khai trong một thời gian dài.
Ngoài người dân địa phương, các đối tượng khai thác cát trái phép còn đến từ nhiều nơi khác như Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc... Lợi dụng, lỗ hổng trong quản lý phương tiện giao thông đường thủy, người dân ở đây còn dùng thuyền, ghe của mình cho các đối tượng khác thuê lại, nhằm phục vụ cho việc khai thác cát trái phép. Việc này chẳng khác nào tiếp tay cho cát tặc.
Đặc biệt, tình hình còn phức tạp hơn khi ngoài các cá nhân, thì việc khai thác cát trái phép ở khu vực còn có sự tham gia của một số DN…
Trước tình trạng cát tặc diễn ra nhức nhối, huyện Duy Xuyên đã quy hoạch một số địa điểm khai thác khoáng sản cát, sỏi. Song, do nhu cầu tiêu thụ rất lớn, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật, cố tình khai thác khoáng sản trái phép.
Theo ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Duy Xuyên, mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi, tuy nhiên do lực lượng mỏng, nên thời gian truy quét, chốt chặn không được thường xuyên. Cùng với đó, đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, thường sử dụng phương tiện có công suất lớn, khi bị truy đuổi cũng dễ dàng bỏ trốn.
Đặc biệt, như vụ việc xảy ra vào thời điểm cuối năm 2014, lực lượng chức năng Duy Xuyên đã tiến hành truy quét, bắt được một số thuyền của đối tượng khai thác cát trái phép, khi đưa được 2 chiếc thuyền về neo tại xã Duy Phước chờ xử lý thì ngay buổi tối hôm đó, xuất hiện hàng chục đối tượng xông đến khu vực tạm giữ cướp lại thuyền vi phạm...
Thời gian này đang vào mùa cao điểm xây dựng, trên thị trường Quảng Nam và TP. Đà Nẵng nhu cầu cát, sỏi xây dựng đang tăng cao. Ước tính đến hơn 90% nguồn vật liệu cát, sỏi cung ứng cho TP. Đà Nẵng đều lấy từ khu vực sông Thu Bồn, Vu Gia… Nhu cầu thị trường tăng cao, lợi nhuận “khủng” từ việc khai thác cát trái phép, lại không mất một đồng thuế nào… khiến vấn nạn cát tặc trên sông Thu Bồn, hay Vu Gia đã và đang diễn biến phức tạp.
Chốt chặn 24/24h
Kịp thời ngăn chặn vấn nạn cát tặc, đặc biệt tại các điểm nóng trên sông Thu Bồn, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã khẩn cấp tổ chức một cuộc họp giữa các cơ quan chức năng có liên quan.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan gồm cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường thành lập trạm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đường thủy trên các sông Thu Bồn và Vu Gia.
Trước mắt, để “hạ nhiệt” tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu huyện Duy Xuyên thành lập tổ liên ngành chốt chặn, trực liên tục 24/24h tại các điểm nóng như ở xã Duy Phước, Duy Thu, đoạn gần cầu Câu Lâu...
Cùng với việc thành lập trạm kiểm tra, chốt chặn liên ngành, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Sở Tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của các DN được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi…
Đồng thời, yêu cầu DN được cấp phép khai thác khoáng sản phải có cam kết sử dụng phương tiện vận tải thủy có đăng ký, đăng kiểm theo quy định. DN, cá nhân nào không chấp hành hoặc cố tình vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động, không gia hạn giấy phép khai thác.
Với các dự án đường cao tốc, công trình trọng điểm như công trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cần rút ngắn thời gian về mặt thủ tục, cấp mỏ cho nhà thầu chính khai thác cát, sỏi… nhưng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ; Sử dụng đất, cát, sỏi có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng vật liệu do các đối tượng khai thác trái phép cung cấp.
Ngay sau khi có những chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng ở huyện Duy Xuyên đã có kế hoạch chấm dứt việc cấp phép, đình chỉ hoạt động sử dụng đất đã cấp cho một số DN, như CTCP Đầu tư và xây dựng 569, Công ty TNHH Huỳnh Xuân Thắng và các cá nhân vì đã sử dụng đất làm bến bãi, trung chuyển cát không phù hợp với pháp luật...
Về lâu dài, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường dự báo về nhu cầu thực tế, đánh giá trữ lượng chính xác để rà soát, cấp phép đúng quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác vật liệu xây dựng cát sỏi; Kiên quyết kiểm tra, bắt giữ và xử phạt nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản…