Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát huy sở trường từ du lịch | |
Đẩy mạnh kết nối du lịch Việt Nam – Hàn Quốc | |
Xây dựng khu phức hợp 5 sao Vinpearl Nam Hội An |
Ngành du lịch TP. HCM luôn dẫn đầu cả nước về thu hút khách du lịch và doanh thu, nhưng hiện tại, thành phố vẫn chưa phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch... Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo: “thành phố có hàng loạt thế mạnh, vậy làm sao để thu hút được 10 triệu lượt khách trong năm nay, cần có giải pháp và cách thực hiện để đạt con số này”.
Thủ tục vẫn phiền hà
Ông Scott Hodgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon cho rằng, TP. HCM là thị trường du lịch mới và đang hội nhập, còn nhiều tiềm năng phát triển cũng như cơ hội quảng bá với du khách quốc tế. Một trong những nguồn khách quan trọng đến khách sạn Sheraton Saigon là từ thị trường MICE (du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo) quốc tế. Tuy nhiên du khách thường than phiền về thủ tục xin visa cũng như quy trình thông quan để đưa hàng hóa đến thành phố tổ chức giới thiệu.
Chưa có sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu sẽ khó kéo được du khách |
Thậm chí, đại diện khách sạn Sheraton Saigon còn phản ánh là DN hiện phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2016, khách sạn này tiếp đến 13 đợt thanh tra, kiểm tra từ các sở, ngành và UBND TP. HCM, thậm chí có những yêu cầu, hạng mục thanh tra kiểm tra trùng lắp nhau.
Về vị thế của du lịch TP. HCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt cho rằng ngay ở trong nước, TP. HCM cũng phải cạnh tranh với các điểm đến đang lên như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… “thành phố mất dần sức hút mạnh là “hòn ngọc Viễn Đông” do không có điểm nổi bật để cạnh tranh với các điểm đến khác. Các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố như nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện thành phố chưa thể khiến du khách “không đến không được” - ông đánh giá.
Góp ý về cách tổ chức của thành phố, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn cho biết, nhiều du khách quốc tế đến thành phố nhận xét sản phẩm du lịch về đêm quá đơn điệu. Trong khi đó, thành phố đủ sức xây dựng các điểm, khu giải trí hấp dẫn, sôi động thể hiện “điểm đến không ngủ” cho du khách.
Nghe phản ánh của DN khách sạn hàng đầu thành phố về thủ tục hành chính, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo tất cả sở, ngành, địa phương phải thống nhất kế hoạch kiểm tra hoạt động du lịch và báo cáo UBND thành phố trước khi triển khai. “Không có chuyện liên tục kiểm tra DN trong một năm và chồng chéo nhau như phản ánh của DN. Nếu cơ quan, ban, ngành nào tự kiểm tra phải chịu trách nhiệm với UBND thành phố”, ông Tuyến khẳng định.
Biển Cần Giờ sẽ thành trung tâm du lịch
Đối với những vấn đề DN kiến nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến cam kết sẽ khắc phục các khiếm khuyết, yếu kém; đồng thời, nghiên cứu các đề xuất, sáng kiến của các DN để biến du lịch trở thành ngành mũi nhọn, đem lại đóng góp tương xứng vào sự chuyển dịch cơ cấu của đô thị lớn nhất nước.
“Cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch để phát huy, cũng như sửa và nghiên cứu tìm ra cơ chế đột phá. Thành phố có thể xin thí điểm để phát triển du lịch. Phải tăng cường tính kết nối vùng, xây dựng và củng cố các DN hàng đầu” - Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng góp ý.
Gợi ý cho sự phát triển du lịch, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, huyện Cần Giờ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn chưa đầu tư khai thác tương xứng. Đặc biệt, Cần Giờ có rất nhiều lợi thế để phát triển với bờ biển dài 27km, hệ sinh thái rừng ngập mặn và đặc biệt sở hữu Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ông cho rằng thành phố có biển, nhưng lâu nay chẳng ai nhắc đến. Du lịch thành phố đã bỏ quên một tiềm năng lớn ở Cần Giờ. Thừa nhận, biển Cần Giờ hiện tại rất khó thu hút khách, nhưng ông cho rằng điều này có thể kêu gọi DN đầu tư cải tạo, xây dựng biển nhân tạo.
"Muốn Cần Giờ phát triển du lịch, thu hút người dân thì phải làm sao để đi từ trung tâm thành phố đến bờ biển chỉ mất 45 phút thôi. Để làm được điều này, cần đầu tư xây dựng giao thông, cầu đường, phải xây dựng được các đặc trưng du lịch biển", ông Thăng nói.
“Để giải quyết vấn đề trước mắt, thành phố sẽ tạo điều kiện cho hoạt động, nhất là hợp tác hết sức cụ thể của các DN về du lịch lữ hành với tất cả các đối tác kinh doanh bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại, để trở thành một kết nối du lịch bài bản, thông suốt”, ông Đinh La Thăng tiếp thu các ý kiến về phát triển du lịch của các DN.
Ông cũng khẳng định sắp tới, hướng của thành phố là sẽ đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu của thành phố (phát triển du lịch đường thủy, du lịch đường bộ, du lịch cảng biển), đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn thành phố trên cơ sở liên kết với các hiệp hội du lịch các quốc gia lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
“Phải thay đổi tư duy cũ khi cho rằng lĩnh vực du lịch thì chỉ là công việc của Sở Du lịch thành phố. Bây giờ phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.