Để du lịch Việt đã đẹp lại “sạch”
Phải ngăn chặn từ gốc |
Ảnh minh họa |
Du lịch Việt Nam vẫn không ngừng phát triển. Các chiến lược, hành động thiết thực để đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế đang đem lại hiệu quả, phát huy được lợi thế của Việt Nam, với nhiều điều kiện thuận lợi như bề dày văn hóa, lịch sử; danh lam thắng cảnh, di tích và đặc biệt là có các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm khách quốc tế đến nước ta ước đạt trên 4,7 triệu lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc tăng ấn tượng, đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, những sự việc gần đây liên quan đến các hướng dẫn viên du lịch “chui” người nước ngoài (chủ yếu đến từ Trung Quốc) hoạt động tại một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Khánh Hòa... với những hành vi sai trái đã rung lên một hồi chuông cảnh báo về môi trường du lịch nước ta.
Nếu các hướng dẫn viên người Trung Quốc làm việc có chuẩn mực, đồng thời có kiến thức lịch sử và văn hóa về Việt Nam để giới thiệu đến du khách nước họ thì chẳng không đến mức tai hại. Nhưng đằng này, các hướng dẫn viên này lại vừa hoạt động “chui”, tranh giành công việc với các hướng dẫn viên bản địa có chuyên môn, nghiệp vụ; lại vừa tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam, cũng như chủ quyền biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam. Điều này là không thể chấp nhận được.
Chính vì thế nên mới đây, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND các tỉnh thành, các địa phương trọng điểm đón khách du lịch quốc tế tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Với những địa phương chuẩn bị khai thác các thị trường lớn như Trung Quốc, Bộ đề nghị cần học tập kinh nghiệm của các nơi đã làm để có chính sách quản lý phù hợp. Để người nào lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp, hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép... phải bị xử lý kịp thời, kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch vừa qua cũng đã gửi thư trao đổi đến Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc Lý Kim Tảo, đề nghị phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm trường hợp một công dân Trung Quốc đốt tiền Việt Nam khi đi du lịch. Những động thái của cơ quan chức năng với ngành du lịch vừa qua thật sự là việc làm cần thiết để du lịch Việt phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để du lịch Việt đã đẹp lại “sạch”.