Để hiểu và gần nhau hơn
Giữ kết nối để hiểu doanh nghiệp hơn | |
Hơn 218 nghìn tỷ đồng kết nối NH-DN trên địa bàn TP.HCM | |
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp |
Một trong những sự kiện đáng chú ý tuần qua là hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do NHNN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Chủ đề vốn tín dụng cho DNNVV không mới, nhưng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì sao?. Vì hiện 97% DN Việt Nam hiện nay là DNNVV, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách. Trong khi đó ngân hàng đóng vai trò là kênh dẫn vốn đầu tư chủ đạo cho nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Thực hiện chủ chương đồng hành cùng DN của Chính phủ, NH luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh và phát triển. Từ nhiều năm trước, ngành Ngân hàng đã xếp DNNVV vào một trong những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi. Không những thế, chương trình kết nối NH - DN được triển khai rộng khắp các tỉnh thành với hàng trăm buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN được tổ chức mỗi năm. Sau những buổi như thế, hàng trăm DNNVV được hỗ trợ giảm lãi suất, giảm phí, được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ... và hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư tín dụng được ký kết, giải ngân cho DN. Các TCTD luôn chủ động tiếp cận DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên. Chỉ riêng trong năm nay MB dành 30.000 tỷ đồng cho vay DNNVV; Viet Capital Bank triển khai chương trình “Kết nối Ngân hàng Bản Việt – SMEs” với nguồn vốn 600 tỷ đồng; hay ABBANK có chương trình SME Top Up cho vay không tài sản bảo đảm dành cho DNNVV...
Hướng đến khách hàng DN, chọn phân khúc DNNVV là đối tượng đầu tư chiến lược đã, đang là hướng đi của nhiều TCTD. Thậm chí BIDV – dù là NHTM nhà nước, lớn lên bằng những dự án đầu tư trọng điểm cũng chọn DNNVV là đối tượng khách hàng quan trọng. BIDV đã thành lập riêng một ban phục vụ DNNVV mà theo lời ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV: Nhiệm vụ của Ban Khách hàng DNNVV là hướng đến khách hàng, liên tục đổi mới, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ... BIDV cam kết mỗi năm dành ít nhất 10 ngàn tỷ đồng cho vay DNNVV. Riêng trong năm nay các thành viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) có thể vay vốn từ gói tín dụng này chỉ với lãi suất 5,5%/năm. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME cho rằng, đây là sự ân sủng rất lớn, sự quan tâm đặc biệt của NH đối với DNNVV.
Dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng trưởng đều qua các năm. Hiện có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các TCTD. Đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Điểm lại những con số này để thấy NH đã, đang rất nỗ lực hỗ trợ DNNVV. Song dường như những kết nối, hỗ trợ của NH đối với DNNVV chưa đủ. Vẫn có DN muốn được giảm thêm lãi suất cho vay; có DN kêu NH “giữ chặt túi” quá… Để NH giảm thêm lãi suất cho vay nữa hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng về góc độ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng thì có thể khẳng định các TCTD đã, đang làm hết sức. Nhưng cho đến giờ nhiều DNNVV vẫn chưa khắc phục được những nhược điểm cố hữu: trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn; cập nhật báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, thậm chí cung cấp thông tin không chính xác, không minh bạch... Chính những điều này khiến TCTD e dè khi quyết định cho vay các DNNVV.
Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, NH đã có nhiều gói sản phẩm tốt cho DNNVV nhưng nếu DN chưa đáp ứng được điều kiện của NH thì họ sẽ không cho vay. NH hỗ trợ DN, nhưng cũng phải tuân thủ đúng nguyên tắc, chuẩn mực cho vay. Việc DNNVV khó tiếp cận vốn không thể đổ cho một phía.
Tạo điều kiện cho NH - DN hiểu nhau hơn, VINASME đã thành lập hội đồng chuyên gia có sự cộng tác của NH tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn giúp DN hiểu các quy định, nguyên tắc của NH. Về phía mình, NH không chỉ hỗ trợ vốn, lãi suất mà còn xây dựng hệ thống thông tin thị trường, thông tin ngành nghề, kết nối cơ hội hợp tác đầu tư cho DNNVV… Hai bên cùng nỗ lực để hiểu, đến gần nhau hơn.