Để nâng cấp thể chế cần giải pháp táo bạo
Việt Nam đang thực sự có cơ hội đưa nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững và thịnh vượng hơn nhờ quá trình hội nhập toàn cầu và khu vực sâu rộng hiện nay. Nhưng để có thể tranh thủ các cơ hội và hóa giải thách thức, nhất thiết cần thực hiện các giải pháp táo bạo để nâng cấp thể chế và quản trị kinh tế.
Những điều kiện kinh doanh không cần thiết và không hợp lý phải được loại bỏ để tạo điều kiện đầu tư |
Ông Layton Pike, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, vị thế của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay chủ yếu được xác định bởi chất lượng quản trị và thể chế kinh tế.
“Do đó, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng một cơ chế phối hợp mạnh hơn để xây dựng và cải cách một cách hiệu quả”, ông Layton Pike nói và gợi ý: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có một cơ quan cải cách thể chế Trung ương do lãnh đạo cao nhất chỉ đạo để thực hiện thành công một chương trình cải cách toàn diện”.
Nên giao việc xây dựng chính sách và dự thảo văn bản pháp luật cho các nhóm tách biệt và họ cần được chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả của chính sách và thể chế thị trường.
Biểu hiện lớn nhất về bất cập của vấn đề thể chế, là có tới gần 2.500 văn bản quy phạm pháp luật và hành chính có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng pháp luật giai đoạn 2009-2012 (Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về hoàn thiện thể chế KTTT của Bộ Tư pháp). Nhưng rất ít trong số đó bị yêu cầu hủy bỏ. Trong khi đó, số Thông tư và văn bản hành chính đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 4.500 văn bản năm 2014.
Các khảo sát Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện cho thấy, chỉ có một tỷ lệ rất thấp DN cho rằng chính sách, pháp luật của Trung ương là có thể dự đoán được. Điều này gây ra chi phí lớn cho DN khi tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Đó là chưa kể các yếu tố khác như thông tin, các cơ chế giải quyết tranh chấp, các dịch vụ hỗ trợ DN… hiện nay đều còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 8/2015, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra, DNNN nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần nhiều tín dụng DN, sử dụng phần nhiều diện tích đất kinh doanh… Tuy nhiên, nhiều DNNN hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc có lãi nhưng không đáng kể.
Sau 30 năm xây dựng nền KTTT, khu vực DN tư nhân vẫn yếu và mong manh. Có tới 97% DN tư nhân trong nước là các DNNVV và đáng lo hơn khi các DN tư nhân gia tăng quy mô thì họ lại trở thành những DN kém hiệu quả hơn.
Nguyên nhân có nhiều, song một phần quan trọng đến từ các yếu kém về thể chế. Đó là việc Nhà nước kiểm soát trực tiếp đối với các yếu tố đầu vào chính, can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính. Và nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đặc điểm là cạnh tranh yếu và chưa thực sự công bằng.
Yếu kém của khu vực tư nhân một phần là do tính không ổn định và thiếu nhất quán của môi trường thể chế.
Các đối tác phát triển cũng cho rằng, cạnh tranh là yếu tố cốt lõi để KTTT phát triển. Cần ưu tiên chính sách cạnh tranh như là một trụ cột trung tâm của KTTT. Đã đến lúc Việt Nam cần có một luật cạnh tranh có thể cho phép thành lập cơ quan cạnh tranh độc lập và đủ năng lực.
Đồng thời, có các quy định, chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phản cạnh tranh, gồm cả hành vi của cơ quan Nhà nước, DNNN và DN tư nhân. Cục Quản lý cạnh tranh hiện nay không thể điều tra và thực hiện các biện pháp điều chỉnh đối với nhiều hành vi phản cạnh tranh vì thiếu thẩm quyền và năng lực. Như theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Cục này không thể điều tra hành vi phản cạnh tranh của một số công ty thép vì họ là DNNN.
Đẩy mạnh hơn nữa tự do kinh doanh cũng cần được chú trọng bởi đây là yếu tố thiết yếu cho tăng trưởng và thịnh vượng. Chính phủ nên đảm bảo rằng, ý tưởng đẩy mạnh tự do kinh tế của Hiến pháp 2013 được hiện thực hóa. Các luật như Luật Đầu tư, Luật DN mới đây là những bước đi quan trọng trong hướng tới tự do kinh doanh và cần được thực hiện đầy đủ. Điều này có nghĩa là các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không hợp lý phải được loại bỏ để tạo điều kiện cho đầu tư, cạnh tranh và sáng tạo.
Thời thế đang giục những giải pháp táo bạo!