Để ngư dân vươn khơi, bám biển
Vượt sóng bám biển | |
Dồn sức cho bám biển |
Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, vụ cá Bắc năm 2016-2017, xuất hiện nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế. Đặc biệt, các loại cá nổi xuất hiện nhiều như cá thu, cá ngừ, cá nục, cá cơm… và luôn xuất hiện với mật độ cao, nên tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đẩy mạnh hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản. Ông Trung cho hay, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc vừa qua đạt 1.416 nghìn tấn, tăng 5% so với năm trước.
Khu vực Nam trung bộ các tàu hành nghề lưới rê sản lượng trung bình từ 17-20 tấn/chuyến, sau khi trừ chi phí mỗi tàu lãi từ 200-250 triệu đồng. Còn tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương thường đạt từ 1,3-1,4 tấn/chuyến/tàu và có lãi từ 30-40 triệu đồng/tàu/chuyến. Nghề lưới vây cá ngừ sản lượng đạt trung bình từ 10-12 tấn/chuyến và lãi từ 50-60 triệu đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép khai thác thủy sản trong vụ cá Bắc với 104.697 lượt tàu. Trong đó, nghề lưới rê chiếm số đông, với 37.803 tàu chiếm 36,11%. Hiện cả nước có trên 3.436 tổ hợp tác, với khoảng 23.670 tàu cá, giải quyết khoảng 156.302 lao động; 64 nghiệp đoàn nghề cá, với 2.956 tàu và 11.666 công đoàn viên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, trong vụ cá Bắc vừa qua, các ngư dân gặp nhiều thuận lợi, nhiều tàu đánh bắt trúng lớn. Tuy nhiên, trong vụ cá Nam sắp tới, căn cứ vào dự báo ngư trường của Viện Nghiên cứu hải sản thì có hiện tượng biến đổi thời tiết bất thường (El nino) muộn từ cuối tháng 6 - 7/2017, do El nino muộn nên cá sẽ di cư ra phía Đông Thái Bình Dương và từ đó sản lượng cá có thể giảm nên ngư dân phải tranh thủ khai thác khi El nino chưa xuất hiện sẽ hiệu quả hơn.
Theo ông Tám, các ngư dân tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật mới nhất trong sản xuất để khai thác cho hiệu quả, sản phẩm khai thác phải bảo quản sau thu hoạch, đồng thời giới thiệu cho ngư dân một số nghề mới như khai thác tầng đáy.
Thực hiện một số chính sách về phát triển thủy sản (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2016/NĐ-CP), sau hai năm triển khai nghị định, đến nay, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện để đóng mới, nâng cấp 1.921 tàu. Trong đó, đóng mới 1.504 và nâng cấp 417 chiếc tàu cá.
Tính đến cuối tháng 2/2017, các NHTM ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 930 tàu, chiếm 48,4% tàu cá được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu, với số vốn cam kết cho vay khoảng 9.139 tỷ đồng.
Hiện có 619 tàu đóng mới, nâng cấp đi vào hoạt động ở một số địa phương Duyên hải miền Trung. Trong đó, có 166 tàu vỏ thép, 22 tàu composite và 346 tàu vỏ gỗ, nâng cấp 85 tàu. Các tàu đóng mới đi vào hoạt động sản xuất đều đạt hiệu quả cao, an toàn.
Ngư dân Mai Thành Phúc, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, theo Nghị định 67 thì Nghiệp đoàn đã đóng và hạ thủy 7 chiếc tàu vỏ thép, trong đó có 5 tàu đánh bắt và đạt hiệu quả rất cao, 2 chiếc tàu còn lại mặc dù đã hạ thủy từ tháng 11/2016, nhưng đến nay vẫn chưa vươn khơi được vì đang gặp khó khi mua bảo hiểm tàu cá.
Để tháo gỡ cho ngư dân, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã trực tiếp chỉ đạo cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cần phải triển khai gấp các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ cho ngư dân, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân vươn khơi, bám biển.