Nông sản sạch gian nan tìm đầu ra
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn | |
Thu hút đầu tư sản xuất nông sản sạch |
Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Anh Đào (Anh Đào Co.op) cho biết, hiện HTX đã mở rộng diện tích trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP lên 270 ha, mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần chục tấn rau, củ quả sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn sạch. Ngoài việc liên kết với hộ nông dân để đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho thị trường, Anh Đào Co.op còn ký hợp tác bao tiêu sản phẩm với nhiều hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Cần liên kết chặt chẽ để xây dựng thị trường cho nông sản sạch |
Tuy nhiên, để có được như hôm nay, Anh Đào Co.op đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để tìm được đầu ra cho sản phẩm rau sạch của HTX. Những ngày đầu, sản phẩm đem đi chào hàng thường bị từ chối do chi phí sản xuất cao nên giá thành có nhỉnh hơn với hàng hóa cùng loại, hơn nữa cũng rất khó để phân biệt rau sạch theo chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc người dân chưa có thói quen mua và sử dụng rau bán tại các hệ thống phân phối, cửa hàng tiện ích, siêu thị, mà chủ yếu vẫn mua ở các chợ truyền thống, thậm chí ngay tại lòng đường, vỉa hè.
“Thực tế việc trồng rau sạch không khó, khó là ở chỗ người sản xuất có quyết tâm làm theo đúng quy trình kỹ thuật và quan trọng hơn chịu chấp nhận bỏ ra chi phí đầu tư cao hơn thông thường, trong khi việc tìm thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hiện tại vẫn còn là cả một bài toán nan giải” – ông Thừa chia sẻ.
Hiện nay, mô hình trồng rau sạch phát triển khá mạnh từ Bắc chí Nam, song không phải nhà sản xuất nào cũng thành công như Anh Đào Co.op. Nhiều nhà sản xuất rau sạch đều phải mò mẫm tự tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách tự xây dựng những mô hình chuỗi cửa hàng phân phối quy mô nhỏ, bán buôn cho các thương lái. Không ít sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch nhưng đến khi ra thị trường vẫn phải bán lẫn lộn với các loại rau sản xuất thông thường.
Có thể lấy câu chuyện của một số HTX sản xuất rau sạch tại huyện Tân Thành, tỉnh Long An làm điển hình. Dù được đầu tư bài bản, được cơ quan chức năng kiểm định sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, nhưng do khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, nhiều chủ HTX trồng rau sạch tại địa phương này phải chấp nhận bán sản phẩm cho thương lái với giá ngang bằng với những loại rau trồng thông thường của bà con nông dân để “lấy ngắn, nuôi dài” trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ, phân phối rau sạch ra thị trường.
Trong khi nhiều nhà vườn, HTX trồng rau sạch bí đầu ra như vậy, thì nghịch lý là người tiêu dùng lại rất khó tiếp cận với sản phẩm loại này và đang hàng ngày sử dụng không ít mặt hàng nông sản không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, một bộ phận người dân có thu nhập cao, có xu hướng sử dụng thực phẩm, rau quả nhập khẩu cho an toàn vì được kiểm định gắt gao, trong khi đó mức giá không hề rẻ, cao gấp đôi, gấp 3 so với sản phẩm nông sản trong nước.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017...
Theo nhận định của các chuyên gia, cái khó của thị trường rau sạch chính là sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín, không có sự liên kết đầu - cuối từ nhà sản xuất đến DN tiêu thụ, phân phối sản phẩm một cách bài bản ra thị trường. Chính vì vậy, với sản phẩm rau sạch, thị trường đang rất cần, nguồn cung khá dồi dào nhưng lại bị “tắc nghẽn” ở khâu liên kết, cũng như hệ thống phân phối bị đứt gãy.
Vấn đề này cũng là cái khó chung của nhiều sản phẩm nông nghiệp trên thị trường hiện nay. Vì vậy, ngoài việc chú trọng đến quy trình, sản xuất, chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất trong nước cần phải xây dựng một hệ thống phân phối đủ mạnh hoặc liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối chuyên nghiệp để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tránh tình trạng bí đầu ra.