Để thúc đẩy tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện là một trong những trọng tâm phát triển KT-XH | |
Thúc đẩy tài chính toàn diện để giảm nghèo bền vững | |
Giúp người nghèo tiếp cận tài chính toàn diện |
“Việc thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực châu Á còn những hạn chế nhất định, một khối lượng lớn người dân, đặc biệt là những người nghèo ở vùng sâu vùng xa chưa thể tiếp cận được dịch vụ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở pháp lý chưa đồng bộ, hay cơ sở phát triển hạ tầng tài chính chưa đồng đều, chưa được đầu tư một cách thích đáng” - đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội thảo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở châu Á thông qua việc hiểu biết về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng” do NHNN phối hợp với Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) tổ chức trong hai ngày 3 và 4/4/2017.
Quang cảnh hội thảo |
Chia sẻ thêm, Phó Thống đốc cho rằng, người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương, còn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận dịch vụ tài chính. Phó Thống đốc cũng chỉ ra một vấn đề quan trọng khác là giáo dục tài chính tuy đã được quan tâm nhưng thực sự vẫn còn hạn chế. Vấn đề công nghệ tài chính cũng chưa được phát triển hết tiềm năng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã phát triển và nhiều hoạt động của các công ty Fintech có thể hỗ trợ cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Đã có những quốc gia đầu tư cho việc chuẩn bị công nghệ này, nhưng cũng có những quốc gia chưa thể tiến hành được các bước vận dụng công nghệ tài chính để thúc đẩy tài chính toàn diện.
Đồng tình trong trao đổi với Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Naoyuki Yoshino, Giám đốc ADBI cho biết giáo dục tài chính là một trong những vấn đề rất quan trọng tại Nhật Bản. Thúc đẩy tài chính toàn diện không đâu xa xôi, mà xuất phát từ ngay trong trường học. Muốn giáo dục tài chính ở các trường học, các giáo viên phải có kiến thức. Điều quan trọng nhất là đào tạo cho giáo viên có trình độ về tài chính để có thể truyền tải dễ hiểu và hiệu quả nhất tới học sinh, sinh viên.
“Do vậy, chúng tôi thuê những nhân viên nghỉ hưu của các NH về giảng dạy tài chính cho sinh viên. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát mức độ hiểu biết về đào tạo tài chính. Bởi chúng tôi cho rằng, mỗi mức độ đào tạo phải dựa trên mức độ tiếp cận về tài chính. Như với sinh viên, mức độ này phải phù hợp với thực tế đời sống của họ, chủ yếu tương tác qua internet”, ông Yoshino chia sẻ.
Bên cạnh giáo dục tài chính trong nhà trường, ông Naoyuki Yoshino cũng nhấn mạnh vai trò đào tạo tài chính dành cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Yoshino, các DN này có thể rất giỏi trong việc sản xuất ra các sản phẩm để bán, song lại khá hạn chế khi sử dụng các dịch vụ của NH để phục vụ cho việc phát triển và quảng bá sản phẩm của DN mình...
Giám đốc ADBI nêu lên một thực tế tại Nhật Bản là vẫn có một bộ phận DN gặp những khó khăn nhất định khi tiếp cận nguồn vốn từ NH. Do đó việc tăng cường hiểu biết cho đối tượng này thông qua nhiều hình thức tuyên truyền là vô cùng cần thiết.
Có những quốc gia chưa thể tiến hành được các bước vận dụng công nghệ tài chính để thúc đẩy tài chính toàn diện |
Dẫn ra con số khoảng 2 tỷ người ở châu Á còn thiếu tiếp cận về tài chính toàn diện, ông Peter Morgan, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADBI cho rằng, tài chính toàn diện gồm nhiều vấn đề liên quan tới cá nhân, công ty cũng như điều khoản cho vay, tiền gửi...
“Tại sao mức độ về tài chính toàn diện ở châu Á hiện còn khá thấp? Chúng ta phải thấy rằng có quá nhiều rào cản cho phát triển tài chính toàn diện, từ câu chuyện nhận thức, chi phí, lợi ích đến cơ sở hạ tầng... Và điều này phải có một lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng vấn đề để từng bước tạo sự chuyển biến trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Không thể nói chung chung được”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia ADBI cũng bàn tới nhu cầu điều phối các vấn đề trong các điều khoản bảo vệ người tiêu dùng, quản lý khu vực tài chính, phòng chống rửa tiền cũng như các cơ chế về thị trường...
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiểu biết về tài chính là rất quan trọng, giúp người dân cải thiện việc lập kế hoạch sau khi nghỉ hưu, cải thiện khả năng trong việc tiết kiệm và đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Nó cũng hỗ trợ cho việc tích trữ tài sản bằng việc xây dựng các kế hoạch lâu dài, giúp giảm áp lực tài chính của người dân khi về già.
Theo ông Yoshihiko Kadoya (khoa Kinh tế, Đại học Hiroshima - Nhật Bản) yếu tố quyết định hiểu biết về tài chính có thể gói gọn trong ba lý thuyết về nhân khẩu học; kinh tế xã hội; và về tâm lý. Ông cho rằng, đào tạo chính thức về tài chính cũng như phát triển các mối quan hệ xã hội sẽ giúp tăng cường hiểu biết về tài chính. Thêm nữa, trình độ hiểu biết về tài chính càng nhiều thì mức độ chấp nhận tài sản rủi ro của người dân càng lớn.
“Đào tạo về tài chính rất quan trọng. Nếu Chính phủ thành công trong việc tăng cường hiểu biết của người dân về tài chính thì họ sẽ tham gia nhiều hơn vào phát triển thị trường vốn...”, ông Yoshihiko Kadoya chia sẻ.