Để Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn
Ấn tượng với khuôn hình đẹp! | |
Ẩm thực và quảng bá | |
Lạc quan với du lịch tàu biển |
Năm 2019, trong số 16 dự án trọng điểm Đà Nẵng đàm phán, xúc tiến đầu tư, nổi bật có dự án Trường đua ngựa và Trung tâm huấn luyện, đào tạo và nhân giống ngựa trị giá khoảng 200 triệu USD tại huyện Hòa Vang. Hiện tại, Tập đoàn Matrix Holdings Limited của Hồng Kông đang quan tâm đến dự án này. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang giao các ngành liên quan tìm địa điểm phù hợp cho dự án để nhà đầu tư khảo sát.
Ảnh minh họa |
Cũng một dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược) của Hà Nội vừa được phê duyệt bổ sung thuộc danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư của thành phố Hà Nội sẽ được triển khai tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 50km. Dự án do Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty của Hàn Quốc triển khai. Dự kiến du khách sẽ được tham quan giải đua ngựa vào năm 2021. Ngoài ra,
Trường đua xe công thức 1 (F1) - một phần trong giải đua xe F1 vô địch thế giới, sẽ được triển khai tại khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm với đường đua dài hơn 5,5km. Hiện tại, việc xây dựng đường đua F1 tại Việt Nam đang được gấp rút tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ từ phía đại diện giải đua. Đây là hai bộ môn thể thao lần đầu tiên có mặt ở nước ta vào thời gian tới, hy vọng sẽ cùng với hàng chục điểm du lịch truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội như: làng cổ Đường Lâm, di tích Cột cờ Hà Nội, Lăng Bác, phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Hương… mang thêm luồng gió mới, tạo sinh khí cho du lịch Thủ đô.
Tất cả đều hướng tới trả lời cho được 5 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền trung và Tây Nguyên” vừa diễn ra mới đây ở thành phố Huế, đó là phải làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, có ấn tượng tốt đẹp và quay trở lại sớm nhất có thể.
Để giữ chân du khách, du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm như phát triển thêm nhiều điểm du lịch mới là điều kiện cần, việc giải quyết những hạn chế lâu nay mới là điều kiện đủ. Và như Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, tài nguyên du lịch có vô tận đến đâu nếu không biết khai thác thì sẽ bị cạn kiệt, suy thoái. Trong khi, ý tưởng sáng tạo là vô tận, có ý tưởng sáng tạo, đổi mới sáng tạo thì mới phát triển du lịch. Nhiều tài nguyên có thể khiến chúng ta tập trung vào khai thác mà thiếu chú trọng đầu tư yếu tố khác, đó là những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị tài nguyên.
Tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch là giải pháp căn cơ để các vùng du lịch trọng điểm khác như Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Trung du – miền núi phía Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển ngành kinh tế xanh bền vững. Khai thác du lịch, không chỉ phải bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới.
Bên cạnh đó, để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạng tầng du lịch, các điểm đến, tăng cường liên kết du lịch; chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục… mới hấp dẫn hơn, đẹp hơn trong mắt du khách!