Dịch chuyển sang dịch vụ, bán lẻ
VPBank tiếp tục duy trì chiến lược ngân hàng bán lẻ | |
Ngân hàng kỳ vọng tăng thu dịch vụ | |
Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ |
Mối lo về nền kinh tế lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng đang dần được giải tỏa khi vốn huy động từ thị trường chứng khoán đạt gần 245.000 tỷ đồng, tăng tới 66,4% so với cuối năm 2016. Mức tăng này cao hơn mức tăng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng là 18,1% trong năm 2017, đạt 6,5 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2017.
Bán lẻ dịch vụ lên ngôi |
Trong dài hạn, nhiều tín hiệu tích cực hơn chứng tỏ vai trò huy động và tài trợ vốn cho nền kinh tế đang dần được chuyển sang vai của thị trường chứng khoán trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Cụ thể, theo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ 21,6% năm 2012 lên 35,4% năm 2017, trong khi với hệ thống tổ chức tín dụng, con số này giảm từ 78,4% xuống 64,6%. Trong giai đoạn 2012 - 2017, cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán tăng bình quân khoảng 33,4%/năm, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng (16,6%/năm).
Trong thời gian tới, dự báo vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhờ lộ trình IPO và niêm yết một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn. Thêm nữa, dòng vốn lớn còn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài cả gián tiếp lẫn trực tiếp đang giảm áp lực lệ thuộc vốn ngân hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước khi không chỉ yêu cầu các ngân hàng hạn chế mức độ tập trung tín dụng với bất động sản, xây dựng, chứng khoán mà còn phải thường xuyên giám sát, đánh giá, theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung cho vay sản xuất với năm lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên (phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Tuy vai trò của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá nặng (với tỷ trọng tới 64,6%) song thanh khoản lại khá dồi dào nhờ tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tăng mạnh. Chỉ riêng tại 5 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB và VIB thì số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã lên tới 238.493 tỷ đồng, tính đến thời điểm ngày 31/12/2017, gấp 3,3 lần so với thời điểm đầu năm (số tiền này chỉ ở mức 95.000 tỷ đồng).
Việc các ngân hàng có số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VIB... thực sự được hưởng lợi rất nhiều nhờ số tiền gửi lớn với lãi suất thấp này đã gián tiếp hỗ trợ hệ thống ngân hàng thậm chí có điều kiện để hạ tiếp lãi suất, tiếp sức doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận. Không dừng lại ở đó, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục chuyển hướng kinh doanh, dịch chuyển mạnh sang nhóm khách hàng cá nhân, bên cạnh nhóm khách hàng DN.
Kết quả kinh doanh qua từng quý trong năm 2017 cho thấy bán lẻ, phí dịch vụ đóng góp phần lớn cho thu nhập của hệ thống ngân hàng, càng minh chứng rằng, các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh sang bán lẻ, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng, đặc biệt tín dụng cho DNNN lớn. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng xác nhận, cơ cấu thu nhập của các ngân hàng có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% trong khi năm 2016 chỉ tăng 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% năm 2017.
Trong định hướng chiến lược kinh doanh năm 2018, các ngân hàng đều đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển mạnh mảng bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ. Trọng tâm các ngân hàng hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân với các dịch vụ đi kèm như tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, tín dụng thẻ... Cũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu tốt nhất của khách hàng là việc các tổ chức tín dụng phải phát triển công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng cũng như cải tiến, đổi mới dịch vụ tương xứng.