Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ
Bán hàng tiêu dùng trực tuyến dần lên ngôi | |
Tư vấn về việc sử dụng ví điện tử khi thanh toán online |
Cạnh tranh gay gắt
Theo các chuyên gia, sự phát triển của số lượng người dùng điện thoại di động thông minh, cùng xu hướng tăng cường dùng mạng xã hội đã tạo nên lượng khách hàng lớn đối với thị trường bán lẻ.
Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế |
Chính vì thế, đã và đang có cuộc chạy đua rất mạnh mẽ trong thị trường bán lẻ online này khi mà phần lớn các cửa hàng, cá nhân, DN kinh doanh bán lẻ offline dần chuyển cách thức kinh doanh sang xu hướng online. Ngay cả các trung tâm thương mại hiện đại cũng đang chịu sức ép từ các kênh bán lẻ trực tuyến. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam và có vốn nước ngoài đều đang đầu tư mạnh phát triển bán lẻ qua mạng.
Thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu được người tiêu dùng lựa chọn. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), mua sắm trực tuyến là một trong những chủ đề được mọi người nói đến nhiều nhất trong năm qua.
Anh Nguyễn Minh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chỉ với chiếc điện thoại di động hay máy tính thì việc mua sắm trực tuyến trở nên rất tiện lợi. Khách hàng không chỉ lựa chọn được đúng các sản phẩm mình muốn mua mà còn tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, thời gian đi lại.
Đặc biệt, có thể so sánh các sản phẩm cùng loại ở nhiều cửa hàng, nhà cung cấp khác nhau từ nguồn gốc, chất lượng, đến giá cả. Từ đó, có thể lựa chọn những sản phẩm tốt nhất với nhu cầu và được nhận hàng ngay tại nhà.
Anh Thắng cho biết, hiện tại phần lớn nhu cầu mua sắm của mình, anh đều sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến thay vì phải đi ra siêu thị hay các cửa hàng như trước đây. Tuy nhiên, cách thức này cũng có thể gặp nhiều rủi ro, như sản phẩm không đúng theo quảng cáo về chất lượng, mẫu mã...
Bảo vệ người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu
Có thể thấy, thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn với sự chuyển hướng giành thị phần trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, shopee, hay tại các trang bán hàng của các siêu thị điện máy, siêu thị trực tuyến (Vincom, Lotte, Aeon, Saigon Co.op...), thì còn số lượng người tiêu dùng mua hàng qua mạng xã hội như Facebook hay Zalo cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Khảo sát cho thấy, 66% người mua hàng online đã mua hàng qua Facebook. Xu hướng này khiến doanh thu qua Facebook và Zalo gia tăng đáng kể.
Sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Lazada đã trở thành là một trong những sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Lazada là một trong những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc quản lý, vận hành, chăm sóc khách hàng…
Nhờ đó, hãng liên tục xác lập những con số ấn tượng về doanh thu, tự vượt qua các kỷ lục của chính mình. Website Lazada.vn thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng, và cứ mỗi 2 giây lại có 1 đơn đặt hàng thành công. Chỉ trong 3 ngày cao điểm (9-11/11/2017) với chương trình “Cách mạng mua sắm” trong mùa khuyến mãi lớn nhất năm, đã có gần 1,5 triệu sản phẩm được đặt mua và 16 triệu lượt truy cập trên website này.
Mới đây, Lazada công bố triển khai chiến lược mới dành cho các nhà bán hàng với 4 mục tiêu chính: Giảm chi phí hoa hồng, tăng cường công cụ quản lý, tối ưu hóa sàn giao dịch và hệ thống quản lý thân thiện. Đại diện Lazada cho rằng, họ đã và đang góp phần tạo nên thói quen mua sắm trực tuyến cho người tiêu dùng Việt, làm đòn bẩy cho sự phát triển chung của cả thị trường.
Báo cáo của Kantar Worldpanel cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. Theo nhận định của VECOM, trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề thanh toán. Phần lớn người tiêu dùng mua hàng trực tuyến nhưng lựa chọn hình thức thanh toán trả hàng tại chỗ. Lượng người mua trực tuyến thanh toán sau khi nhận hàng chiếm tới 90%, trong khi đó thanh toán qua thẻ hay chuyển khoản ngân hàng chỉ chiếm trên 10%.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, xu hướng mua sắm trực tuyến đang trở thành tất yếu, và vấn đề thanh toán trực tuyến đang được các nhà bán lẻ quan tâm. Một trong những lo ngại của khách hàng khi thanh toán trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là việc thanh toán qua thẻ ngân hàng hay thẻ tín dụng có thể bị lộ thông tin, gây thất thoát tiền trong tài khoản.
Chính vì vậy thời gian tới, các ngân hàng, các tổ chức phát hành thẻ cần có những giải pháp để người tiêu dùng yên tâm khi thanh toán qua mạng.
Theo nhận định của các chuyên gia, kênh bán lẻ online sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi mà nền tảng công nghệ trên thế giới ngày càng lớn mạnh. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, để các nhà bán lẻ online phát triển bền vững thì cần phải đầu tư mạnh mẽ nền tảng hạ tầng cơ sở, nền tảng công nghệ.
Bên cạnh đó, bản thân các DN kinh doanh trực tuyến phải trung thực, có sự minh bạch, có sự đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi chính đáng của các nhà bán lẻ. Với xu hướng này, thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô 10 tỷ USD vào năm 2020.