Dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
Trước tình hình đó, ngày 13/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi |
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y Bộ NN&PTNT cho hay: “Các tỉnh, thành có ổ dịch đã qua 30 ngày nhưng lại tiếp tục phát sinh lớn bệnh tại các hộ chăn nuôi mới cho thấy các tỉnh xảy ra dịch có nguy cơ xuất hiện trở lại rất cao”.
Mặc dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành khác đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập (do mật độ chăn nuôi lợn dầy đặc trong các thôn/xóm, nhất là ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng) làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác,chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường.
Tại các địa phương phía Bắc, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, nhà ở đan xen với chuồng lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng nên có rất nhiều yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh rất nhanh như chuột, gián và các loại côn trùng khác...
Nhận định về tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, do bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa vắc xin phòng bệnh; đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.
Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh DTLCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP.
“Các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết.
Đồng thời giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy.
Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.