Dịch vụ ngân hàng: Cơ bản vẫn là chất lượng
Mở thẻ liền tay, nhận ngay khuyến mại với LienVietPostBank | |
MB ra mắt sản phẩm dành riêng cho DN ngành thiết bị điện | |
Bancassurance: Nhiều cơ hội để lớn mạnh |
Trong báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam quý II/2016 do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) công bố, nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ NH được đánh giá đang ở mức “bình thường” hoặc “cao”.
Trong năm 2016, có 51,8% TCTD dự kiến “giữ nguyên” mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ của mình; 28,4% TCTD dự kiến tăng, trong khi có 19,7% TCTD dự kiến tiếp tục giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ. Như vậy kỳ vọng tăng thu từ dịch vụ của các TCTD không nhiều. Có hay không chuyện các sản phẩm dịch vụ NH không có đột phá nên gây bão hoà với khách hàng?
Nói tới sản phẩm dịch vụ NH, thứ có lẽ được đề cập gần như đầu tiên là thẻ NH. Tính tới hết quý IV/2015, theo số liệu được NHNN đưa ra, số lượng thẻ NH đã phát hành trên thị trường Việt Nam đạt 99,52 triệu.
Đòi hỏi sáng tạo sản phẩm, dịch vụ NH trong một thời gian ngắn là chuyện không đơn giản |
Thẻ NH giờ đây trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người, và dịch vụ đi kèm thẻ cũng được các NHTM triệt để tích hợp. Không chỉ là rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán hoá đơn điện, cước viễn thông, bảo hiểm... Cầm một chiếc thẻ NH trong tay, khách hàng còn có thể thanh toán mua hàng qua internet, mua vé máy bay...
Hiện, các cơ quan, đơn vị phần lớn đều triển khai trả lương nhân viên qua thẻ NH. Đăng ký mở thẻ NH giờ đây đồng nghĩa với việc đăng ký sử dụng các dịch vụ iBanking như SMS banking, Mobile banking...
Bên cạnh đó, việc liên kết với các công ty, đơn vị để bán chéo sản phẩm nhằm tăng nguồn thu, đem lại lợi ích cho cả hai bên không còn mới trên thị trường. Có thể nói tới như dịch vụ Bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh NHTM); hay thẻ liên kết thương hiệu giữa các tập đoàn bán lẻ với NH; giữa các câu lạc bộ bóng đá với NH…
Không chỉ dịch vụ NH, bất cứ sản phẩm dịch vụ của những lĩnh vực khác cũng vậy, khi phát triển tới một mức độ nhất định, đương nhiên thực tế bão hoà sẽ có. Khi nhìn quanh, NHTM nào dịch vụ cũng na ná như nhau, đâu cũng thấy tiện lợi, tích hợp... khiến khách hàng lắm khi khá “đau đầu” để chọn lựa.
Đồng ý là khách hàng sẽ có lợi nhiều hơn khi dịch vụ NH phát triển, nhưng về phía NHTM thì chưa chắc. Không phải NHTM nào cũng có mức tăng trưởng tín dụng thoả mãn kỳ vọng đặt ra. Do đó, việc tăng thu từ sản phẩm dịch vụ NH cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao lợi nhuận nhà băng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh khi “mình không là duy nhất, không khác biệt” sẽ khiến dịch vụ NH không còn hấp dẫn nữa, vì khách hàng có quá nhiều sự chọn lựa giống nhau.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, tất cả dịch vụ NH muốn phát triển nhanh, mạnh, nâng cao sức cạnh tranh thì điều cốt lõi phải quan tâm là công nghệ. Phải có một hạ tầng công nghệ đủ hiện đại, theo kịp với sự phát triển trên thế giới thì mới có thể nói tới chuyện về chất lượng hay sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
“Không có công nghệ ở thời đại bây giờ, xem như tự nhận mình thua cuộc”, vị này nhấn mạnh. Chính bởi thế, trở thành NH số được nhiều NHTM xem là trọng tâm phát triển. Và để phát triển công nghệ, cũng đòi hỏi NHTM phải dũng cảm, mạnh dạn để đầu tư.
Bởi ai cũng rõ, với sự phát triển khoa học công nghệ theo cấp số nhân như hiện nay, công nghệ, máy móc có hiện đại tới đâu, khi mua khỏi tay đã là “mất giá”. Nên NHTM cũng cần cả sự liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm khi quyết định bỏ vốn đầu tư vào công nghệ. Có thể kể ra một vài nhân tố như TPBank, VIB, Vietcombank...
Năm 2015, TPBank đã giới thiệu với khách hàng tài khoản Easy Link và Ebank phiên bản mới, cho phép kết nối tất cả các tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tín dụng. Khách hàng có thể điều chuyển linh hoạt hạn mức ứng, vay trả một cách thông minh. Nên thay vì chuyện phải quản lý nhiều tài khoản, khách hàng đăng ký hai dịch vụ trên chỉ cần thực hiện giao dịch với duy nhất một tài khoản.
Hay VIB là đơn vị tiên phong triển khai tính năng LiveChat trên website hoặc facebook, nâng cao khả năng tương tác với khách hàng, trở thành kênh tư vấn, bán hàng hiệu quả, lại không tốn kém chi phí đầu tư...
Tuy nhiên, đi cùng với chiến lược đầu tư công nghệ cũng là bài toán quản lý rủi ro công nghệ và an toàn thông tin. Như vậy, NHTM cũng phải đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro của đơn vị mình, tránh trường hợp chạy theo hiện đại hoá mà quên đi giá trị cơ bản.
Còn lãnh đạo một NHTM lại cho rằng: Đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ NH phải luôn luôn mới, hay việc các nhà băng phải luôn sáng tạo ra những sản phẩm mới trong một thời gian quá ngắn là điều cực kỳ khó khăn.
Bởi theo lý giải thì, NHTM cũng như khách hàng, hay thị trường phải có đủ một lượng thời gian nhất định để hiểu về sản phẩm đó, dịch vụ đó. Như vậy mới có thể sử dụng được triệt để công dụng của sản phẩm, dịch vụ đó. Khách hàng cũng tạo lập dần thói quen với những dịch vụ mới, phía NH cũng có thời gian theo dõi hiệu quả và phản ứng của khách hàng để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, tạo cơ sở để bổ sung, hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ sau này.
Vị này cũng cho rằng: Đưa ra một hai “món ngon”, sẽ hiệu quả hơn là việc bày cho khách hàng “một mâm cỗ” mà “không biết gắp cái nào trước, cái nào sau”. Cả thị trường, khách hàng và NHTM đều phải nhận thức được rằng quan trọng là khách hàng được hưởng những dịch vụ, sản phẩm tốt và tiện lợi nhất, phù hợp với nhu cầu, chứ không nên tham lam chạy theo số lượng.