Thông điệp và hành động đầu Xuân
Điều hành chính sách tiền tệ: Kiên định với các mục tiêu | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt | |
Thống đốc chỉ đạo giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm |
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành NH là phải tập trung để đạt mục tiêu đã đặt ra trong lộ trình tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 |
Ngày đầu năm mới, trong buổi đến thăm và làm việc tại Vietcombank và NH Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao những nhiệm vụ rất cụ thể cho từng NH, thể hiện quyết liệt của Chính phủ kiến tạo, hành động. Về phía ngành NH, lời chúc đầu năm mới Đinh Dậu của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại trụ sở chính NHNN với sự tham dự của toàn thể thủ trưởng các đơn vị, cán bộ chủ chốt, các NHTM, các đơn vị trực thuộc cũng mang một thông điệp chỉ đạo toàn ngành NH phải nỗ lực hơn nữa bởi năm 2017 còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Hệ thống NH cũng như NHNN phải chủ động, linh hoạt, nhạy bén hơn nữa trong công tác hoạch định, tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN, tham mưu cho Chính phủ những quyết sách về CSTT và tái cơ cấu. Đây là thời điểm đòi hỏi các đơn vị của NHNN cũng như hệ thống TCTD tiếp tục năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của mình” - Thống đốc nhấn mạnh.
Với hàng loạt mục tiêu Chính phủ đặt ra, nhiệm vụ của ngành NH ngày càng khó khăn hơn. Các chuyên gia tài chính - NH cũng cho rằng, năm 2017, NHNN sẽ gặp áp lực không nhỏ trong điều hành CSTT, trong đó có mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%; cùng với đó là những khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý nợ xấu; áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển… Vì vậy, sự mạnh mẽ trong thông điệp đầu năm mới của Chính phủ, của Thống đốc sẽ tạo động lực cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành NH nỗ lực, phấn đấu, có nhiều sáng kiến trong điều hành, xây dựng chính sách, để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngành NH cũng xác định đây là năm bản lề đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu, gắn với xử lý nợ xấu, trong đó ngành NH cũng đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện để xử lý tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu, tăng cường công tác an toàn cho các TCTD. Có thể nói rằng, nhiệm vụ quan trọng của ngành NH là phải tập trung công sức để đạt mục tiêu đã đặt ra trong lộ trình tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Hiện NHNN đang hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều khả năng vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được tháo gỡ về mặt pháp - vấn đề đang gặp khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua.
Các ý kiến về tháo gỡ pháp lý cũng đang được đưa ra như: việc cân nhắc làm một luật để sửa nhiều luật, hay cũng có ý kiến cho rằng, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết để xử lý những vấn đề bất cập, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm. Và nếu ban hành nghị quyết thì xử lý nợ xấu được nhanh hơn và nếu xử lý cấp bách được khoảng 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017 và đầu năm 2018 thì nền kinh tế sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ủng hộ quan điểm nợ xấu là của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với các đề xuất phải sửa đổi, bổ sung một số luật và xây dựng một luật riêng để hỗ trợ cho vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Một đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xử lý nợ xấu đang rất cấp bách nên cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng luật, bởi để hoàn thiện một dự án luật trình ra Quốc hội trình tự qua nhiều bước. Chính vì vậy, từ thông điệp và hành động của ngành NH cần sự hành động mạnh mẽ từ phía các bộ, ban, ngành để nhiệm vụ NH được “hanh thông” ngay từ đầu năm Đinh Dậu.