DN bỏ quên những biện pháp tự vệ cuối cùng
Chỉ có 4 vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hoá nước ngoài nhập khẩu được DN Việt Nam chủ động khởi xướng, tính tới tháng 10/2015, trong đó có 2 vụ thành công. Trong khi ở chiều ngược lại, tính đến cùng thời điểm có tới 94 vụ điều tra PVTM đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài, dẫn tới 56 vụ phải áp dụng biện pháp PVTM, khiến không ít ngành hàng xuất khẩu lao đao.
Đây là thống kê của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được đưa ra tại hội thảo “Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài?”, tổ chức ngày 14/10.
Phòng vệ thương mại tại Việt Nam hiện chưa đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của DN nhỏ |
Nội lực yếu nên chuộng “vũ khí” giản đơn
Nói gọn lại, “thị trường thế giới ra đòn 19 lần, ta mới ra đòn 1 lần; họ hạ ta 23 lần, ta mới hạ họ được 1 lần”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, đưa ra tổng kết ngắn gọn song đáng lo ngại. Trước ngưỡng cửa hội nhập, việc DN Việt Nam bỏ quên các biện pháp PVTM càng trở nên đáng lo hơn bởi đây được xem là một trong số ít biện pháp hữu hiệu cuối cùng để bảo vệ sản xuất trong nước khi các hàng rào thuế quan truyền thống đang dần được dỡ bỏ.
Không chỉ bỏ quên công cụ phòng vệ hiệu quả và chính đáng này, loại “vũ khí” mà DN Việt Nam sử dụng cũng được đánh giá là vẫn còn thô sơ. Bởi trong số 4 vụ kiện PVTM được khởi xướng, có tới 3 vụ là điều tra tự vệ.
Bà Trang phân tích, “đây là công cụ tương đối dễ thực hiện đối với DN nhưng lại gây khó cho nhà nước”. Bởi bản chất của nó là không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà chỉ đơn thuần là biện pháp bảo hộ tạm thời trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hoá nước ngoài nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. Vì vậy trách nhiệm của DN - bên đi kiện, là tương đối nhẹ nhàng khi không phải chứng minh sự tồn tại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngược lại, trách nhiệm của Nhà nước lớn hơn vì phải bồi thường cho nước bị áp dụng biện pháp PVTM. Tức là tăng thuế để bảo vệ ngành sản xuất này thì phải giảm thuế bù cho ngành khác. Vì Chính phủ nước nhập khẩu nếu áp dụng biện pháp này sẽ không thuận lợi như khi áp dụng chống bán phá giá, chống trợ cấp nên họ có xu hướng ít chấp nhận các yêu cầu này hơn.
Bên cạnh đó, chống bán phá giá hiện đang được “ưa chuộng” nhất trong các biện pháp PVTM, thì tại Việt Nam mới khởi xướng được 1 vụ, lại là do một DN FDI của Hàn Quốc khởi xướng. Thống kê cũng cho thấy trong 94 vụ kiện PVTM đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài, có tới 70 vụ là kiện chống bán phá giá.
Một đặc điểm đáng lưu ý khác là nguyên đơn khởi kiện trong các vụ việc này đa số đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường đối với loại sản phẩm là đối tượng của vụ kiện. Điều này cho thấy PVTM tại Việt Nam hiện vẫn là công cụ của nhà giàu, chưa đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của DN nhỏ, vốn là chủ thể chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng ngoại.
Bà Trang cũng lưu ý, các sản phẩm bị kiện trong cả 3 vụ kiện để tự vệ tại Việt Nam đều không phải là sản phẩm trong top đầu về nhập khẩu vào Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều đó phần nào cho thấy, có thể đã có những nguy cơ bị bỏ qua. Trog khi đó hiện nhiều loại hàng hoá của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hoá nước ngoài nhập khẩu ngay trên chính sân nhà, mà trong đó có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, song lại chưa được bảo vệ bằng công cụ PVTM.
DN mới được “phá băng nhận thức”
Với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kí kết, cùng với một số FTA lớn đang trên bàn đàm phán, thì nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh mà các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt sẽ ngày càng gia tăng. Riêng đối với Việt Nam, nguy cơ này sẽ còn cao hơn.
Bởi theo thống kê của Trung tâm WTO, trong số 10 quốc gia bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới từ năm 1995 đến nay, có tới 9 quốc gia đã có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia… Trường hợp Đài Loan tuy chưa có FTA với ta, song kế hoạch hợp tác thương mại với quốc gia này đã được khởi động và có thể sẽ ký kết trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, các loại hàng hóa mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nhất từ các đối tác FTA cũng đồng thời thuộc các nhóm hàng hóa đứng đầu trong danh mục các loại hàng hóa bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới (thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu, nhiên liệu; sắt, thép; nhựa và sản phẩm nhựa).
Điều đáng lo ngại là, đối với DN mức độ nhìn nhận và sẵn sàng sử dụng các biện pháp PVTM hiện nay mới dừng ở mức “phá băng nhận thức”. Bởi theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại, khoảng 70% DN được hỏi đã biết về công cụ PVTM. Tuy nhiên phần lớn trong số này hiểu biết rất sơ sơ, qua các phương tiện truyền thông là chủ yếu. Số biết rõ về công cụ này chỉ chiếm chưa đến 2% và số lần đầu nghe nói tới công cụ này xấp xỉ 17%.
Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật TNHH Atim lo ngại: Việt Nam đã bước vào cuộc chơi chuyên nghiệp, song tác phong của nhiều DN lại rất thiếu chuyên nghiệp. Ông Vinh cho biết, qua nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá mà nước ngoài khởi xướng, ông đã vấp phải thái độ thiếu hợp tác của các DN Việt Nam trong tư cách bị đơn.
“Rất nhiều DN lớn hồn nhiên trả lời tôi không bán phá giá thì chẳng việc gì phải cung cấp thông tin. Về mặt nguyên tắc, luật Việt Nam cũng như quốc tế giao cơ qua điều tra sử dụng thông tin, nếu DN không hợp tác thì người ta có quyền sử dụng thông tin của nguyên đơn. Nếu thông tin đó bất lợi cho DN thì chính DN là người chịu thiệt”, ông Vinh cho hay.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, kiện PVTM không phải là cuộc chơi của mỗi DN riêng lẻ, nó là “cuộc chơi tập thể”. DN cần coi đó là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Để sử dụng công cụ này, các DN phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất. Đồng thời, vai trò của các hiệp hội ngành hàng cũng cần được chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới.