DN lớn phải dẫn dắt khởi nghiệp
Gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 | |
Xây thị trường vốn mạo hiểm |
Theo thống kê, TP.HCM đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN, thành lập 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng yếu... Đến nay, TP.HCM có gần 650 DN được ươm tạo, số DN tốt nghiệp hơn 400 (đạt khoảng 62%), trong đó 65 DN gọi vốn thành công.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhận định về mô hình hoạt động của các cơ sở ươm, ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho rằng cơ sở ươm chưa phát triển theo hướng kinh doanh, chỉ cung cấp dịch vụ và hỗ trợ miễn phí cho DN. Do vậy, cơ sở ươm phát triển theo hướng tạo nền tảng nhằm thương mại hóa công nghệ và thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Ngọc (nguyên Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM) cho rằng mặc dù các cơ sở ươm tạo đã có những đóng góp quan trọng hỗ trợ các DN nhưng vẫn chưa gắn kết hữu hiệu với các đơn vị tài trợ vốn, chưa giúp được DN khả năng thương mại hóa sản phẩm ngay trên thị trường trong nước.
Khởi nghiệp đang là chủ đề được quan tâm trên cả nước, nhất là TP. HCM đang xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh và nỗ lực mở đường tăng trưởng cho DN thành phố thông qua cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn TP. HCM nói riêng vẫn chưa đi vào bản chất của khởi nghiệp nên vẫn chưa thể khởi sắc.
Theo đó, các chuyên gia đề xuất thành phố cần quy tụ được đội ngũ nhân sự nòng cốt, nhất là các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực cùng hợp tác với thành phố trong các dự án nghiên cứu và triển khai, sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho cộng đồng DN khởi nghiệp.
Nhiều chuyên gia khẳng định, cần nâng cao vai trò dẫn dắt của các DN lớn. Các DN lớn sẽ dẫn dắt tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tích cực nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, phát triển hệ thống cung ứng đảm bảo tính ổn định.
Khi đó, hệ thống cung ứng phụ trợ của các DN khởi nghiệp tự khắc sẽ hình thành. Một số giải pháp cũng được nêu ra như, kêu gọi kiều bào mạnh dạn đầu tư về nước với những biện pháp giảm phiền hà cho nhà đầu tư; hỗ trợ DN trong công tác xúc tiến thương mại; xem trường đại học là một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là nơi hỗ trợ, kết nối các nguồn lực để ý tưởng kinh doanh trong sinh viên có thể phát triển vươn xa…
“Để thúc đẩy khởi nghiệp, thành phố cần kiến tạo cơ hội thông qua tạo nhu cầu thiết thực cho DN để tham gia sản xuất cung ứng. Có nhiều cách kiến tạo, trong đó cách tốt nhất là thông qua thực hiện các chương trình đầu tư công và các dự án đầu tư viện trợ hoặc hỗ trợ ra nước ngoài để các DN trong nước tham gia. Chính quyền thành phố cần giữ vai trò kết nối công ty khởi nghiệp với trường, viện để vừa tạo cơ hội làm ăn cho DN, vừa thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ”, TS. Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) góp ý.
Ghi nhận ý kiến các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM sẽ tập hợp những khuyến nghị, trải nghiệm thực tế để các DN thành phố có một tầm nhìn toàn diện từ đó can đảm thay đổi trong định hướng khởi nghiệp theo hướng tích cực và lâu dài, từ đó có cơ sở để trình lên UBND thành phố và Trung ương để xem xét và quyết định.