DN thép có “liều mình” khi đầu tư mới?
Suốt hơn một năm nay, nhiều DN trong ngành thép phải đối mặt với khó khăn. Phần lớn các sản phẩm thép, đặc biệt là thép xây dựng, đều bị ứ đọng ở khâu tiêu thụ, hàng tồn kho luôn duy trì tỷ lệ cao so với năng lực sản xuất. Cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất của ngành cũng bắt đầu được phát đi. Thế nhưng, một “nghịch lý” đang xuất hiện trong ngành là vẫn có rất nhiều DN tiếp tục mở rộng đầu tư, nâng công suất.
Vào giữa tháng 5/2013, Công ty cổ phần thép Thái Trung đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất có công suất lắp đặt 500.000 tấn/năm và đã có sản phẩm bán ra thị trường. Cùng bài toán kinh doanh “mạo hiểm” như vậy, Công ty cổ phần thép miền Trung đưa vào hoạt động dây chuyền có công suất lắp đặt 250.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thép dây và hiện cũng đã có sản phẩm bán ra thị trường.
Nhiều DN thép tiếp tục mở rộng sản xuất
Mới nhất, một sự kiện cũng được xem là khá “đình đám” trong ngành thép là việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen công bố kế hoạch đầu tư 2 dây chuyền cán nguội với công suất thiết kế 200.000 tấn/năm/dây chuyền và một dây chuyền sản xuất tôn với công suất thiết kế 400.000 tấn/năm thuộc giai đoạn 2 Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ.
Quyết định mở rộng đầu tư với các dự án “khủng” này được Tôn Hoa Sen đưa ra không lâu sau khi DN này đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất tôn số 4 công suất 120.000 tấn/năm vào giữa tháng 3 năm nay, với tổng vốn đầu tư gần 12 triệu USD.
Trên thực tế, hàng loạt các dự án mới đi vào hoạt động trong bối cảnh ngành thép đang dư thừa công suất trong khi tiêu thụ khó khăn đã đặt ra không ít lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn của các DN trong ngành. Một số quan điểm cho rằng, trong bối cảnh tiêu thụ thép khó khăn như hiện nay, việc các DN tiếp tục đưa ra sản phẩm mới sẽ làm cho thị trường càng cạnh tranh khốc liệt hơn, các DN phải “giành giật” thị phần lẫn nhau để có chỗ đứng do sức tiêu thụ của thị trường chỉ có giới hạn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến giữa tháng 6/2013, sản xuất thép đã giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 3 - 4%, tiêu thụ giảm gần 1% và tồn kho đang trở thành gánh nặng lớn với hầu hết các DN. Những so sánh tương quan năng lực sản xuất của DN và quy mô thị trường hiện nay cũng cho thấy quan ngại rủi ro kinh doanh nêu trên là có cơ sở. Bởi trong khi khả năng sản xuất theo năm của các nhà máy thép trong nước đã lên đến 17 triệu tấn thép thành phẩm các loại và phôi thép, nhưng mức tiêu thụ của năm 2012 chỉ có gần 10,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường lại lưu ý tầm nhìn dài hơi hơn cho hàng loạt các dự án đầu tư của ngành thép thời gian qua. Lập luận về vấn đề này, ông cho rằng đến thời điểm hiện nay bình quân lượng thép trên đầu người của Việt Nam mới chỉ có 120 kg, thấp hơn các nước trong khu vực từ 2 - 3 lần.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng một nước công nghiệp, lượng thép cần cho nhu cầu phát triển tính theo đầu người của Việt Nam phải gấp nhiều lần hiện nay. Do đó, dư địa và tiềm năng của thị trường vẫn còn, nhất là với các nhóm sản phẩm ngoài thép xây dựng. Một số DN có lẽ đã nhìn nhận cơ hội theo cách tiếp cận như vậy để tiếp tục đầu tư.
“Khó khăn của nền kinh tế sẽ qua đi. Trong khi đó, thép là ngành đầu tư dài hạn, không thể đem lại lợi nhuận ngay mà ít ra phải sau 4 - 5 năm hoạt động. Vì vậy, với tầm nhìn dài hạn về nhu cầu thị trường, các DN trong và ngoài nước có thể xem xét để vẫn tiếp tục đầu tư”, ông Cường nói.
Đặc biệt, với những tập đoàn DN nước ngoài lớn, họ có tầm nhìn dài và không chỉ định hướng thị trường trong nước mà còn đưa sản phẩm ra khu vực và thế giới, đến các công trình lớn với lượng tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép. Do vậy, những DN này nên đã có xu hướng đưa các công trình liên hợp thép đến đầu tư tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia...
Tuy nhiên, để hoạt động thu hút, mở rộng đầu tư đạt hiệu quả, đặc biệt với một ngành không dễ đầu tư như thép, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thu hút đầu tư cần có những ưu tiên phù hợp với lộ trình phát triển của đất nước và với từng nhóm sản phẩm.
Ông Cường lưu ý, các DN có thể mất nhiều thời gian để tìm hiểu cơ hội thị trường, lập phương án đầu tư, nhưng khi đã quyết định đầu tư sẽ triển khai rất nhanh nhằm thu lại hiệu quả cao nhất và tránh rủi ro. Vì vậy, việc đưa ra chính sách ưu tiên là cần thiết, song quan trọng hơn nữa là sự ổn định, nhất quán của chính sách liên quan đến đầu tư trong ngành thép.
Hà Sơn