DN thép: Loay hoay khai phá mảng miếng của nhau
Khó từ trong ra ngoài
Bất chấp dự báo tăng trưởng phục hồi 3-5% trong năm nay, không ít DN thép vẫn tiếp tục tiến đến bờ vực phá sản và nhiều DN buộc phải sản xuất cầm chừng. Khó khăn ở thị trường nội địa đang được mong chờ giải tỏa từ thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, các công ty thép cũng đều công bố sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu lên 50% tổng doanh thu. Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành công nghiệp thép trong nước sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản nếu thép của Nga được hưởng thuế suất 0% khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam…
DN thép phải nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất
Theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay, có đến 10/19 DN thép niêm yết có mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức tiêu cực. Đứng đầu danh sách là Tập đoàn Hoa Sen (HSG), việc giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận của Hoa Sen chỉ đạt 178,9 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Những thương hiệu khác như CTCP Đầu tư thương mại SMC, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA), Việt Đức (VGS), Bắc Việt (BVG), Pomina (POM)… cũng đều ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm.
Còn theo khảo sát mới đây tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ của Nielsen - một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ - tốc độ tăng trưởng về doanh số của ngành thép xây dựng giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm trước (tính đến tháng 8/2014). Mất dần vị thế xuất khẩu, nhiều DN tính chuyện giành ưu thế trên thị trường nội địa bằng cách tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu chuyện DN loay hoay tìm cách khai phá mảng miếng của nhau sẽ lại tự gây khó cho ngành.
Trên bản đồ thị phần, khối công ty thép có vốn Nhà nước có sự phân chia về khu vực tiêu thụ khá rõ ràng: miền Bắc là TISCO; miền Nam là thép Nhà Bè, Biên Hòa, Thủ Đức, liên doanh Vinakyoei; còn miền Trung là liên doanh VPS, Vinausteel và Natsteelvina. Dù vậy, các DN tư nhân như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và POM hiện đang đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần tại miền Bắc và miền Nam.
Hiện tại, lượng tiêu thụ thép của HPG ở miền Nam và miền Trung vẫn còn rất ít so với các đối thủ (bình quân khoảng 7.500 tấn/tháng). Tuy nhiên, công ty này cho biết đang tiến hành mở rộng thị phần xuống phía Nam nhờ: lợi thế về giá thành; chi phí vận chuyển đường thủy từ cảng của nhà máy vào TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 500.000 đồng/tấn, thấp hơn so với cước vận chuyển đường bộ; và công ty đang lên kế hoạch xây dựng thêm tổng kho tại Bình Dương để hỗ trợ cho việc phân phối sản phẩm thép.
Kẻ đuối sức sẽ phải rời cuộc chơi
Trong ngành thép cán nóng, các sản phẩm thép có tính tiêu chuẩn hoá cao, do đó, có rất ít cơ hội để các DN thép theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng khác biệt hoá. Vậy nên các DN trong ngành phần lớn đều theo đuổi chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí thấp, cạnh tranh thông qua giá bán rẻ hơn. Xét ở tầm khu vực, lợi thế về giá thành tiếp tục là một trong những yếu tố đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm thép Hòa Phát.
Bloomberg có thống kê, giá thành sản xuất thép bằng công nghệ lò cao của Trung Quốc hiện tại vào khoảng 10,1 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá thành bình quân của sản phẩm thép Hòa Phát ước tính chỉ cao hơn mức này khoảng 5%. Sản phẩm phôi thép của công ty hiện đang xuất khẩu với giá khoảng 500 USD/tấn, cao hơn giá bán phôi của Trung Quốc khoảng 4,2%. Dựa trên các yếu tố này, khả năng công ty có thể cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc và vẫn đảm bảo tạo ra lợi nhuận.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cũng cho rằng, việc vận chuyển và phân phối là một thách thức lớn đối với thép nhập khẩu. Do đó, với những tên tuổi vốn đã có thế mạnh về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối thì đây sẽ là cơ hội giành vị thế.
Theo dõi tiến độ bán hàng của Thép Hòa Phát tại miền Bắc và miền Trung, nhiều chuyên gia dự báo công ty này sẽ đạt được mục tiêu tại khu vực miền Nam. Bởi Hoà Phát đang có hiệu quả kinh doanh vượt trội so với các DN tư nhân còn lại. Tiềm lực tài chính trong giai đoạn này của Hòa Phát đã gia tăng đáng kể, chủ yếu từ việc bổ sung từ lợi nhuận sau thuế để lại tái đầu tư tăng vốn chủ sở hữu.
Điều này giúp công ty có thể chạy đua đầu tư để nâng quy mô công suất, thực hiện tích hợp ngược sang mảng sản xuất phôi thép, khai quặng và cạnh tranh hiệu quả về thị phần với Pomina…
Trên thực tế, những DN làm ăn bài bản như Hòa Phát là điểm tích cực của ngành. Vì không chỉ cạnh tranh được với giá thép rẻ của hàng nhập khẩu mà còn tác động được tới những DN có cách làm ăn chụp giật, thiếu bài bản, yếu kém về quản lý, công nghệ. Quả thật, trong tình hình hiện nay. Các DN thép đang rất nỗ lực đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất. Ngốn hàng tỷ đồng đầu tư nhưng xét về giá, các DN thép vẫn khó có thể cạnh tranh được với thép Hòa Phát.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch SMC, nhiều DN thời gian qua đã chuyển dần sang vừa phân phối vừa sản xuất gia công các loại thép dẹt gồm thép lá, cắt tấm, xả băng thép cán nguội theo yêu cầu khách hàng. Hiện SMC đã có 4 nhà máy đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng sản lượng hơn 200.000 tấn/năm. “Đầu tư lớn thì chi phí và lãi vay cũng lớn, điều này sẽ gây khó cho việc hạ giá thành sản phẩm”, ông Anh nói.
Tương tự, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch POM cũng đã đầu tư 300 triệu USD xây Nhà máy Pomina 3 vì chiến lược hội nhập. Nhà máy Pomina 3 hiện là nhà máy luyện thép hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy này cho công suất 1 triệu tấn thép/năm, 1 triệu tấn phôi/năm. Nguồn cung thép hiện tại đã được POM tính toán kỹ nhu cầu sử dụng ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nếu nay thị phần bị chia lại vì giá thì nhiều DN thép sẽ đuối sức hoặc phải dừng lại trong cuộc chạy đua này.
Quỳnh Vũ