DNNVV: Cần môi trường kinh doanh bình đẳng
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam
Các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, 30% nộp NSNN, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu hàng năm và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước; giữ vai trò lớn, nòng cốt giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Các DNNVV còn góp phần đáng kể nguồn cân đối ngoại tệ thông qua xuất khẩu, khôi phục và giữ gìn phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, bước đầu tham gia vào quá trình hình thành mối liên kết DNNVV với các DN lớn.
Việc giảm lãi suất cho vay đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, nhất là khu vực DNNVV
Đội ngũ DNNVV hiện đang gặp khó khăn có tính chất căn bản nhất là tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, tuy nhiên chỉ có 30% DNNVV có khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, có đến 80 – 90% máy móc và công nghệ đang sử dụng trong các DNNVV đều rất lạc hậu và được nhập khẩu từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, trong đó 75% máy móc và thiết bị đã hết khấu hao.
Về chất lượng lao động, theo số liệu năm 2012, chủ DN có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống chiếm đến 55,63%, có tới 75% người lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Điều đáng chú ý là nhiều chủ DN, kể cả những người có trình độ học vấn đại học trở lên, cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị DN...
Chúng ta rất cần có những chính sách mạnh mẽ ở mức độ “một thiết chế riêng biệt” để nó có tác động như “vực dậy” khu vực này. Riêng đối với chính sách tín dụng cần đổi mới cách tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng ngân hàng theo hướng cho vay qua DN “đầu mối” liên kết nghiên cứu - sản xuất - chế biến - tiêu thụ, hoặc theo các mô hình tín dụng bảo lãnh “trọn gói” không cần tài sản đảm bảo.
Tôi cũng muốn nói thêm là để giải quyết vấn đề các DNNVV khó tiếp cận tín dụng ngân hàng không thể chỉ “khoanh gọn” trong mối quan hệ ngân hàng và DN mà phải giải bài toán về thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng tháo gỡ rào cản thể chế và minh bạch hóa thông tin, giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho mọi DN, trong đó có DNNVV.
TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DNNVV
Trong điều kiện phần lớn DNNVV còn có hạn chế về năng lực quản trị DN, chấp hành chế độ báo cáo tài chính chưa tốt, tiếp cận các thông tin thị trường và cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan còn khó khăn... hệ thống ngân hàng nên chủ động tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng ngân hàng vừa giúp tăng tính minh bạch của tín dụng, đề cao sự tuân thủ pháp luật về tài chính, tín dụng và hoạt động ngân hàng, vừa giúp đẩy nhanh quá trình “xã hội hóa” các trách nhiệm dân sự về quan hệ tín dụng.
Đó cũng chính là quá trình tạo xu hướng tích cực buộc các DNNVV phải nỗ lực tự chủ, tự cường để tự lớn lên, mạnh lên nhanh hơn. Nếu không họ vẫn phải đối mặt thường xuyên với sự lựa chọn và đào thải khách hàng của các NHTM, dù hoạt động tín dụng sắp tới sẽ được mở rộng, thông thoáng hơn nữa.
Cùng với đó, việc tháo gỡ khó khăn tín dụng sẽ thuận lợi hơn nếu đặt trong mối quan hệ tổng thể có sự cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh của khu vực DNNVV. Các ngân hàng hoàn toàn có thể mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị DN, cũng như tích cực tham gia hình thành hệ thống bảo lãnh tín dụng có hiệu quả hơn cho các DNNVV.
Đây cũng là quá trình mà các ngân hàng xích lại gần hơn, hiểu rõ hơn đối tượng khách hàng của mình nhằm tháo gỡ nhanh hơn khó khăn tín dụng hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA)
Do tình hình kinh tế khó khăn, số lượng DN quy mô lớn cũng giảm mạnh từ 5% nay chỉ còn khoảng 2% tổng số DN đang hoạt động. Khó khăn chủ yếu của các DN hiện nay nằm ở 3 vấn đề: Tài chính, nhân lực và cơ chế chính sách.
Trước tình hình khó khăn, HUBA sẽ tiếp tục tập hợp và kiến nghị, tổ chức đối thoại với các cấp để từng bước làm rõ, đưa chủ trương chính sách vào cuộc sống.
Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, HUBA kiến nghị hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 5 - 6%/năm so với 9 - 10%/năm như hiện nay và dành lãi suất ưu đãi cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Mặt khác, HUBA cũng kiến nghị TP. Hồ Chí Minh nên duy trì việc tổ chức gặp gỡ chính quyền, cơ quan quản lý như thuế, hải quan, ngân hàng... để DN chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.
Trên thực tế, liên kết là thế mạnh, các DN Việt Nam phần đông là DNNVV, còn nhỏ về quy mô sản xuất kinh doanh, chưa có nhiều kinh nghiệm và thường khó khăn trong việc hội nhập quốc tế, nhất là làm đối tác với các DN nước ngoài. Vì vậy, việc cùng ngồi lại với nhau để hợp tác phát triển là nhu cầu có thật.
Bên cạnh những kiến nghị, HUBA với vai trò là người đầu mối, sẽ đưa ra những chính sách đẩy mạnh việc ưu tiên tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giữa các DN hội viên.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng
Từ đầu năm 2014 đến nay, lãi suất cho vay của các NHTM liên tục giảm và luôn giữ ổn định ở mức phù hợp với “sức” của DN. Cùng với những chính sách của NHNN, việc giảm lãi suất cho vay đã tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, nhất là khu vực DNNVV…
Sự tác động đó thể hiện qua việc các NHTM từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN trong vấn đề tiếp cận vốn vay như: tìm hiểu, tư vấn, gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau tìm hướng đi tích cực cho từng DN là đối tác của các ngân hàng. Theo đó, các thủ tục vay vốn cũng được đơn giản hóa, các ngân hàng đã “chịu khó” ngồi lại với DN, nghe DN nói, bắt tay với DN trong tháo gỡ những vướng mắc… để giúp DN tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN về chi phí vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các NHTM cần chú trọng hỗ trợ khu vực DNNVV, đặc biệt áp dụng phương thức cho vay vốn phục vụ sản xuất của các DN theo hình thức tín chấp. Có như vậy, mới mong giúp những DN có chiến lược làm ăn tốt phát huy được năng lực sản xuất kinh doanh, ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng; góp phần tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.
Đức Hiền