Doanh nghiệp bán lẻ… online
Xu hướng tất yếu
Mới đây, disieuthi.vn - sàn giao dịch thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh đã khai trương. Đây được xem là sàn giao dịch dành riêng cho các nhà bán lẻ, khi hội tụ nhiều siêu thị uy tín để cung cấp các dịch vụ trọn gói, sản phẩm chất lượng, bán đúng giá niêm yết.
Kinh doanh online giúp tăng doanh số và giảm chi phí cho DN
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng giám đốc CTCP Đi siêu thị, DN quản lý sàn disieuthi.vn cho biết, với mô hình kinh doanh này, các siêu thị sẽ cập nhật sản phẩm, giá cả lên sàn, đóng gói đơn hàng và quản lý giao vận với khách hàng, hỗ trợ giải quyết khiếu nại về sản phẩm. Riêng disieuthi.vn sẽ xây dựng và phát triển hệ thống sàn giao dịch, cung cấp các công cụ quản trị sản phẩm, đơn hàng, hỗ trợ khách hàng cho nhà cung cấp, phát triển thị trường và khách hàng, thu hộ và đối soát thanh toán cho nhà cung cấp theo định kỳ và kết nối đối tác giao vận cho nhà cung cấp.
Để tạo sự công bằng về giá, disieuthi.vn cũng phân chia các mức chiết khấu với đối tác: 3% với siêu thị lớn có số lượng mặt hàng lớn hơn 20 nghìn sản phẩm và 7% với chuỗi cung ứng theo từng ngành hàng…
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, mô hình này sẽ mang đến hệ thống bán lẻ trực tuyến sẵn có mà DN không phải đầu tư thời gian và kinh phí, tạo thêm nguồn khách hàng mới dồi dào, giúp tăng doanh số và giảm chi phí cho DN, từ đó tăng lợi nhuận, tiện ích và chất lượng dịch vụ với khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, với đặc thù là ngành hàng tiêu dùng nhanh, gồm thực phẩm thiết yếu và tươi sống, từ khâu nhận đơn hàng đến vận chuyển hàng hoá làm sao để đảm bảo chất lượng sản phẩm là thách thức không nhỏ cho các nhà cung ứng, cũng như sàn giao dịch.
Trước đó, “ông lớn” trong ngành bán lẻ Việt Nam là BigC cũng đã chính thức khai trương trang thương mại điện tử Cdiscount.vn để trở thành DN bán lẻ tiên phong đưa hệ thống chuỗi siêu thị từ offline lên online. BigC nuôi tham vọng Cdiscount.vn sẽ trở thành một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam trong vòng 2 năm tới, trên mảng bán lẻ.
“Cần có thời gian để người tiêu dùng quen với cách thức mua sắm online, tin tưởng vào chất lượng dịch vụ mà DN cung cấp qua hình thức thương mại điện tử”, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc BigC Thăng Long chia sẻ.
Đang đi những bước đi đầu tiên để xây dựng trang thương mại điện tử online, BigC xác định, cần phải có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, logistics, nhân lực tốt, phương thức thanh toán… để cho kênh bán hàng online này vận hành tốt... “BigC chưa kỳ vọng sớm có nhiều doanh thu từ mảng này, song chúng tôi tin tưởng và đánh giá rằng đây sẽ là kênh mua sắm tiện ích, là xu thế của tương lai, mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ”, ông Dũng nói.
Chìa khoá là tạo dựng niềm tin
Tuy nhiên, bản thân các DN tiên phong trong việc đưa ngành bán lẻ từ offline lên online cũng thừa nhận có nhiều thách thức ở phía trước. Theo ông Dũng, những rào cản về cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, thanh toán, vận chuyển logistics và đặc biệt là niềm tin tiêu dùng cho các sản phẩm mua hàng online đang đặt ra cho DN khá nhiều thách thức. Không tiết lộ tỷ lệ bán hàng qua trang thương mại điện tử trong tổng lượng hàng bán ra, ông Dũng cho biết, BigC chưa kỳ vọng kênh mua sắm online sẽ mang lại thành công sớm cho DN này.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của mua sắm online chính là niềm tin người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm, phương thức cung ứng dịch vụ hàng hoá mà DN mang lại. Cũng bởi, hiện tồn tại những mặt trái cần uốn nắn, đó là lừa lọc khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng, làm thiệt hại người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín đối với các DN bán hàng qua mạng chân chính. Do đó, việc xây dựng niềm tin cho khách hàng chính là “chìa khoá” duy nhất giúp DN tạo dựng được lợi thế cạnh tranh.
Còn theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, người tiêu dùng khi mua sắm online không chỉ chú trọng về giá cả, chất lượng mà quan trọng là họ muốn có được những trải nghiệm mua sắm mới.
Do đó, với các trang thương mại điện tử hay sàn giao dịch, điều quan trọng nhất là các DN thiết kế ra những chương trình tạo nên sự hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm mới về mua sắm, khác với cách thức mua sắm truyền thống cho người dùng để gia tăng sự lựa chọn. Do đó, các DN cần học hỏi các mô hình bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt của Mỹ, để đa dạng hoá chương trình, dịch vụ cho khách hàng.
Hà Sơn