Doanh nghiệp chế biến dăm gỗ gặp khó
Nhiều tháng nay, Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà buộc phải cho công nhân làm việc trong các dây chuyền chế biến dăm gỗ và nguyên liệu giấy của DN nghỉ luân phiên. Ông Vi Nhất Trường, đại diện Công ty Nhất Hưng Sơn Hà cho biết, mặc dù xoay xở mọi cách nhưng DN cũng không mua được nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Việc đầu tư ào ạt các nhà máy sản xuất dăm gỗ đã đẩy các DN vào thế khó khăn |
Trong khi, giá gỗ dăm xuất khẩu trên thị trường luôn bấp bênh; thậm chí có thời gian các đối tác biết các DN đang cạnh tranh nhau cung ứng hàng nên ép giá xuống quá thấp. Nhưng dăm gỗ là nguyên liệu nên không thể nào sản xuất ra rồi để đấy, buộc các nhà máy phải xuất bán, với giá thành thấp nên dẫn đến không hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ qua cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) từ chỗ đạt sản lượng 45 triệu USD trong năm 2013 giảm xuống còn 17 triệu USD năm 2014. Nguyên nhân sụt giảm được các DN đưa ra là do quá nhiều nhà máy hoạt động cùng lĩnh vực đã dẫn đến tình trạng bị các đối tác nhập khẩu ép giá, trong khi khối lượng xuất giảm không đáng kể.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép cho nhiều dự án chế biến gỗ; đặc biệt việc cấp phép ào ạt đầu tư các nhà máy chế biến gỗ làm nguyên liệu giấy và sản xuất viên nén gỗ đã khiến nhiều DN rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Thực tế, trên địa bàn Quảng Ngãi có quá nhiều nhà máy cùng ngành nghề đã khiến các DN đầu tư các dự án chế biến dăm gỗ rơi vào cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào; đẩy nhiều nhà máy đứng bên vực phá sản do thiếu nguyên liệu sản xuất, gây nên tình trạng tranh mua tranh bán… Trong đó, nan giải nhất là bị các đối tác ép giá.
Theo đại diện Công ty Kim Thành Lưu, nếu tính sơ bộ mỗi nhà máy dăm gỗ công suất khoảng 60.000 tấn sản phẩm/năm thì với 26 nhà máy hiện tại, tổng công suất lên đến gần 1,6 triệu tấn sản phẩm/năm. Cộng với 4 nhà máy viên nén có công suất 200.000 tấn thì sẽ thêm 800.000 tấn sản phẩm nữa.
Theo tính toán của đại diện DN này, với tỷ lệ tiêu hao 2,5% thì để phục vụ cho 30 nhà máy nói trên phải có ít nhất gần 6 triệu tấn nguyên liệu. Đó là chưa kể 2 nhà máy giấy Tân Mai và Viettracimex...
Năm 2012, các DN bắt đầu gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, dẫn đến tình trạng ào ạt phá rừng trái phép để trồng keo lá tràm làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Đồng thời, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng hạn chế cấp phép xây mới nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.
Thế nhưng, theo các DN, tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp phép thêm cho 4 dự án nhà máy viên nén đầu tư nâng tổng số các nhà máy sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên đến khoảng 30 nhà máy.
Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực này cho hay, việc ra đời ngày càng nhiều nhà máy sản xuất dăm gỗ trên cùng một địa bàn đã dẫn đến nguyên liệu càng kém chất lượng, đối tác ép giá. Nếu không đáp ứng những điều kiện đối tác đưa ra thì không bán được hàng mà nếu chấp nhận thì DN chỉ có con đường phá sản vì phải bán lỗ, bán dưới giá thành sản xuất. Thực trạng này kéo dài, không khác nào các DN tự “giết chết” lẫn nhau...
Hiện sản phẩm dăm gỗ của Quảng Ngãi chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một phần Nhật Bản. Vậy nên, giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác, dẫn đến bất cập là bị các đối tác ép giá, vì cho rằng gỗ dăm xuất không đạt chất lượng, khiến giá nguyên liệu rớt giá, nhiều DN chế biến gỗ thua lỗ...
Không dừng lại ở việc các DN bị thua lỗ, cũng do nguồn nguyên liệu khan hiếm, trong khi đó thời gian khai thác rừng trồng ít nhất 6 - 7 năm thì mới đạt chất lượng nên đã xuất hiện một số nhà máy phải đóng cửa vì không đảm bảo được nguồn nguyên liệu sản xuất.
Để giải quyết bài toán khó này, ông Lê Văn Ký, Phó chủ tịch Hội DN trẻ Quảng Ngãi kiến nghị, chính quyền tỉnh tạm thời xem xét dừng cấp phép đầu tư đối với những dự án nhà máy sản xuất dăm gỗ nguyên liệu giấy và sản xuất viên nén gỗ để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh về việc thu mua nguyên liệu, vì có khả năng dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng và kinh tế - xã hội.
Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư có nhà máy đang hoạt động; gây nên hiện tượng thừa hạ tầng thiếu nguyên liệu, gây khó cho các DN đầu tư các dự án nhà máy chế biến dăm gỗ.