Doanh nghiệp FDI và những đóng góp phát triển bền vững tại Việt Nam
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và mục tiêu phát triển bền vững
Với nền chính trị ổn định, nhiều điều kiện và nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, Việt Nam là một trong những điểm thu hút đầu tư khổng lồ của thế giới. Theo Forbes, lượng vốn FDI đổ vào nước ta năm 2017 xác lập kỷ lục với tổng vốn đăng ký đạt 35,88 tỷ USD và tổng vốn thực hiện 17,5 tỷ USD.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều ngành kinh tế mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động như điện tử điện lạnh, xây dựng, dịch vụ... Không chỉ vậy, nhóm doanh nghiệp này cũng tạo ra nhiều giá trị gia tăng về kinh tế, xã hội và chuyển đổi chất lượng cũng như văn hóa làm việc.
Ông Kazuhiro Matsushita – Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam trao tặng tượng trưng 10.000 cây chè cho đại diện Huyện Phú Lương |
Song song với sự tăng trưởng ấy, nhiều doanh nghiệp FDI hiện nay ngày càng đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào phát triển bền vững tại nước sở tại. Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm, trách nhiệm cũng như ý thức đóng góp cho sự phát triển của xã hội ở bất kỳ nước nào doanh nghiệp có mặt, nhiều doanh nghiệp FDI tại nước ta thường có nhiều sáng kiến phát triển bền vững. Điều này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế tự thân doanh nghiệp, mà còn thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ sự cam kết phát triển tại nước sở tại, tạo ra môi trường phát triển chung cho đôi bên.
Trong thực tế, hoạt động đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp FDI lớn. Coca-Cola phát triển bền vững theo chiến lược kinh tế tuần hoàn - sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi, bằng việc xây dựng các nhà máy thông minh, sử dụng năng lượng xanh và tự động hóa sản xuất – tái chế chất thải.
Honda – người khổng lồ trong ngành vận tải liên tục duy trì các hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường, hỗ trợ giáo dục và từ thiện, còn các chủ đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản như Berjaya, Gamuda đầu tư phát triển các dự án xanh, vừa bán sản phẩm (nhà ở) vừa phát triển sinh thái, bảo vệ môi trường.
Giữa bức tranh phát triển bền vững đa sắc, trong lĩnh vực điện tử điện lạnh ghi nhận cái tên Panasonic – thương hiệu theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với nhiều hoạt động nổi bật trong cả quy trình sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội (CSR).
Panasonic - thương hiệu lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam
Được biết tới là một trong những thương hiệu nổi tiếng và có bề dày 100 năm phát triển của Nhật Bản, Panasonic luôn cho rằng một doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và đóng góp, phụng sự cho sự phát triển của xã hội, mang lại “một thế giưới tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại Việt Nam, Panasonic đã có những sáng kiến vì sự phát triển bền vững đồng bộ từ phát triển sản phẩm, sản xuất cho đến hoạt động kinh doanh, đào tạo…Đặc biệt, Panasonic đổ nhiều tâm huyết và chất xám vào việc phát triển các hoạt động xã hội nổi cho cộng đồng.
Nhiều năm qua, Panasonic đã xây dựng và duy trì trung tâm vui chơi ứng dụng khoa học – công nghệ cao Panasonic Risupia Vietnam, tổ chức chương trình làm phim “Qua ống kính trẻ thơ” cho các bạn nhỏ, trao tặng học bổng Panasonic cho các bạn sinh viên tiêu biểu khối ngành kỹ thuật – công nghệ…
Thành viên các công ty Panasonic tại Việt Nam trồng tặng gần 300 cây sao đen cho người dân khu tái định cư Gò Cao |
…Và hành trình bền bỉ ươm vạn mầm xanh
Bảo vệ môi trường là lĩnh vực Panasonic đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển ở bất kỳ quốc gia nào thương hiệu này đặt chân tới. Tại Việt Nam, việc trồng rừng, phủ xanh các vùng đất với tên gọi “Panasonic vì một Việt Nam xanh” đã trở thành hoạt động chủ đạo trong chương trình Trách nhiệm xã hội của hãng. Ra đời từ năm 2013, trong vòng 6 năm, Panasonic đã đi khắp đất nước, trồng tặng hơn 110.000 cây xanh cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Riêng trong năm 2019, hành trình ươm mầm xanh này đã dừng chân tại Thái Nguyên, trồng tặng tỉnh 300 cây sao đen, phủ xanh 6,5 ha đất trống, mang lại bóng mát và môi trường xanh cho gần 200 hộ dân ở khu tái định cư Gò Cao, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ.
Cùng với đó, Panasonic phối hợp với chính quyền địa phương trao tặng 10,000 cây chè cho người dân khu kinh tế nông nghiệp mới huyện Phú Lương, với niềm hi vọng mang lại nguồn sinh tế ổn định cho người dân nơi đây.
Cùng với hoạt động trồng cây, Panasonic còn tổ chức hoạt động thu gom pin cũ, đổi pin sinh thái miễn phí, tổ chức lớp học môi trường tìm hiểu về những biến đổi của khí hậu và sáng tạo các sản phẩm thực nghiệm môi trường từ nguyên liệu tái chế học sinh THCS Hóa Thượng, với kỳ vọng nâng cao nhận thức cho các bạn học sinh trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường, chất lượng sống.
Với các hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển xã hội, Panasonic nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung đã và đang đóng góp không nhỏ cho mục tiêu vì sự phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi.