Doanh nghiệp phân bón đứng trước rủi ro
Tuy nhiên, xu hướng giảm này có thể sẽ rất khác với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 (Luật 71), khi VAT với phân bón giảm từ 5% xuống 0%.
Các chuyên gia cho rằng, về lý thuyết nông dân có thể được lợi khi thuế giảm, nhưng mức “hưởng” thực tế không chắc khiến họ được lợi, trong khi DN lại chịu rủi ro.
DN cho rằng, việc áp dụng Luật 71 gây bất lợi cho sản xuất phân bón |
Theo quy định tại Luật 71, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Nhưng cũng vì vậy, khi DN mua thiết bị hàng hoá, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác… để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ VAT đầu vào. Toàn bộ phần này DN phải tính đưa vào chi phí giá thành sản xuất, làm giá phân bón tăng lên.
DN tính rằng, sản xuất phân bón khi áp dụng Luật 71 sẽ khiến giá thành các loại phân bón tăng trung bình từ 7,1 - 7,5%, đồng nghĩa với việc người nông dân, dù được giảm thuế VAT 5% nhưng vẫn sẽ phải mua phân bón giá cao.
Theo dự báo, nhu cầu phân bón sử dụng trong nước năm 2015 vào khoảng 10,83 triệu tấn/năm; năng lực sản xuất trong nước hiện ở mức xấp xỉ 8 triệu tấn/năm, còn lại là nhập khẩu với những loại phân bón mà trong nước chưa sản xuất được (cali, SA, DAP và một số phân bón đặc chủng khác…).
Đánh giá từ tác động của điều chỉnh chính sách kể trên, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho hay, nhiều nước hiện xuất khẩu phân bón vào thị trường Việt Nam có chính sách thuế linh hoạt và mềm mại, hỗ trợ cho DN sản xuất phân bón và giá bán hấp dẫn. Nếu không có chính sách để hỗ trợ, bảo vệ sản xuất trong nước thì DN nội địa sẽ gặp nhiều bất lợi.
Là đơn vị chuyên sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh, đại diện Tổng công ty Sông Gianh cho hay, DN có lợi nhuận thu được chưa tới 1% doanh thu. Nếu thực hiện theo Luật 71 thì giá thành sản phẩm phân bón vi sinh, hữu cơ sẽ tăng vô cùng lớn, khiến cho DN hoặc lỗ vốn, hoặc phải tăng giá bán.
Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thì tính toán, nếu như được hoàn thuế (không áp dụng Luật 71) thì Tập đoàn sẽ được chi trả khoảng 1.785 tỷ đồng. “Một loạt các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn đang tiếp tục được triển khai, nhằm đảm bảo sản xuất và cung ứng phân bón trong nước, bình ổn giá phân bón trên thị trường. Nhưng nếu có sự chênh lệch về giá thành giữa DN trong và ngoài nước thì DN trong nước không đủ sức cạnh tranh…” ông Tường cho hay.
Để hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và nông dân, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề xuất ý kiến, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin bổ sung, sửa đổi Luật 71.
Theo đó, đưa mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất bằng 0%; đồng thời cho hoàn thuế VAT với các DN sản xuất, nhập khẩu đã đóng thuế trước ngày 1/1/2015. Song song với việc điều chỉnh, sửa đổi Luật 71 cần ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn... Đa phần các DN đều nhất trí với quan điểm trên.
Tiếp thu các ý kiến các DN, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, việc thực hiện Luật 71 dù mức độ ảnh hưởng ở mỗi DN là khác nhau nhưng nhìn chung sẽ gây bất lợi cho nhà sản xuất trong nước, tác động tới việc tăng giá thành, giá bán, ảnh hưởng đến người nông dân.
“Với vai trò cơ quan tham mưu về chính sách, chúng tôi sẽ tiếp nhận đầy đủ ý kiến của các DN trên cơ sở đó xem xét, đề xuất và sớm báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ”, ông Thi nói.