Doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa phụ gia: Lợi thế từ nguồn nguyên liệu
Xếp thứ 3 sau ngành viễn thông và dệt may giai đoạn 2010 - 2017, ngành nhựa là ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng từ 16-18% mỗi năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng còn có thể mạnh hơn trong những năm tới nhờ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên ngành nhựa trong những năm gần đây chủ yếu vẫn được biết đến như một ngành gia công chất dẻo vì phải nhập khẩu 80% nguyên vật liệu. Điều này ngược với lợi thế số một của Việt Nam trong việc sản xuất Filler Masterbatch (hạt nhựa phụ gia) là nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất hạt nhựa từ việc sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi lớn ở miền Bắc và miền Trung. Thậm chí so với hai thị trường sản xuất lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam lại có lợi thế hơn từ vùng nguyên liệu đá chất lượng tốt hơn và ổn định hơn; chi phí nhân công rẻ hơn.
Hiện tổng sản lượng sản xuất hạt nhựa phụ gia trong nước chưa đến 1 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng 20% nhu cầu trong nước còn rất nhỏ so với nhu cầu 33 triệu tấn của thế giới, do đó, các DN Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cung ứng cho thị trường. Bởi vậy, những DN có khả năng chủ động nguồn nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng.
Những cái tên lớn nhất trên thị trường Việt Nam sản xuất hạt nhựa phụ gia có thể kể đến Nhựa châu Âu, An Tiến Industries (HII), Nhựa Pha Lê (PLP) và Nhựa Đông Á. Trong đó (HII) chiếm 12% thị phần, CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP) và Nhựa Đông Á đều nắm giữ 8% thị phần, còn lại đến từ nguồn khác.
PLP ẩn chứa song hành lợi thế vùng nguyên liệu và logistics. Hiện PLP sở hữu 5 mỏ khoáng sản – 2 mỏ đá Granite tại Ninh Thuận, 3 mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nghệ An, đặc biệt là mỏ đá CaCO3 tại núi Thung Hung, Quỳ Hợp có tổng diện tích trên 10 ha được đánh giá là một trong những nguồn đá cẩm thạch có chất lượng tốt nhất trên thế giới xét về độ sáng và độ trắng với trữ lượng dồi dào lên tới 5.000.000m3, sản lượng khai thác khoảng 200.000 tấn/năm.
Đáng nói là hoạt động kinh doanh chính của công ty đã chuyển dịch từ khai thác và bán nguyên liệu thô là đá CaCO3 sang sản xuất hạt nhựa Filler Masterbatch. Với 4 dây chuyền sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCO3 Filler Masterbatch công suất 52.800 tấn/năm. Năm 2018, PLP dự kiến tăng vốn điều lệ lên 315 tỷ đồng để đầu tư và nâng cấp dây chuyền sản xuất filler masterbatch lên 95.000 tấn/năm.
Vị trí cũng là lợi thế cạnh tranh lớn của PLP, việc đặt nhà máy tại Hải Phòng (cách cảng Hải Phòng 2km và sát đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tới cảng, giúp giảm tối đa chi phí và thời gian.
9 tháng năm 2018, doanh số Filler Masterbatch hơn 100 tỷ đồng tăng hơn 56 % với cùng kỳ 2017, chiếm 91% tổng doanh thu thuần. Những nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III chỉ bằng 75% so với quý II/2018 từ biến động tăng của giá dầu và chạy thử nghiệm 4 dây chuyền nghiền bột đá CaCO3& 2 dây chuyền bột tráng phủ sau khi hoàn tất quá trình di dời từ Nhà máy Hải Phòng về Nhà máy Nghệ An và triển khai lắp đặt thêm 2 dây chuyền HC sẽ hứa hẹn những đột biến về doanh thu và lợi nhuận quý IV/2018 và các năm tiếp theo khi đi vào vận hành chính thức.
Theo tính toán của SHS, việc di dời nhà máy bột đá sẽ giúp PLP tiết kiệm 600-700.000 đồng/tấn chi phí vận chuyển, từ đó giúp giảm giá vốn, cải thiện biên lợi nhuận gộp cho công ty trong quý IV cũng như những năm tới. Năm 2018, SHS dự phóng doanh thu đạt 482,41 tỷ đồng, tăng 53,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 54,83 tỷ đồng, tăng 6,0% theo năm, EPS năm 2018 dự phóng đạt 2.358 đồng/cổ phiếu.
Với HII, việc có nhà máy sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCo3 tại Yên Bái với nguồn nguyên liệu đầu vào với trữ lượng ổn định và việc sở hữu 2 công ty con là CTCP Liên Vận An Tín hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hỗ trợ vận tải và CTCP sản xuất Tổng hợp An Thành hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm hạt nhựa, bán buôn vật tư giúp quy trình của HII gần như khép kín từ đầu vào tới khâu vận chuyển và phân phối của sản phẩm, giúp kiểm soát hoạt động và quản lý hiệu quả.
Về đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HOSE: AAA) – công ty mẹ nắm 51% vốn của HII là đối tác tiêu thụ, công ty còn có nhiều khách hàng khác như Mitsubishi, Philips, Marlex… An Tiến Industries đang hướng tới mục tiêu nhà sản xuất phụ gia nhựa lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, dự kiến tổng doanh thu của An Tiến Industries đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến theo kế hoạch đạt 120 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm từ 2016 - 2018 tăng 327% về doanh thu và 245% về lợi nhuận.