Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Tài chính toàn diện là một trong những trọng tâm phát triển KT-XH | |
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tài chính toàn diện châu Á- TBD | |
Thúc đẩy tài chính toàn diện để giảm nghèo bền vững |
Hướng đến người nghèo
Tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ngày 21-22/3 tại Hà Nội, các chuyên gia đều khẳng định, thúc đẩy tài chính toàn diện là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm gần đây, tài chính toàn diện trên thế giới nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đã thu được những kết quả tích cực, giúp người dân và DN được tiếp cận với dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về phát triển, giảm nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Quang cảnh hội nghị ngày 21/3/2017 |
Những yếu tố như: Sự tiến bộ về công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới; sự phối hợp tốt giữa khu vực công và tư; ngày càng có nhiều các mô hình kinh doanh sáng tạo và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng… đã giúp thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển. Bên cạnh đó, sự tham gia hỗ trợ và phối hợp tích cực của cộng đồng quốc tế và nỗ lực của từng quốc gia thông qua các sáng kiến, chương trình toàn cầu về tài chính toàn diện như của Liên Hợp quốc, G20, APEC, ASEAN, WB, ADB… cũng giúp đưa ra các nguyên tắc, khuôn khổ chiến lược quốc gia và cơ chế để triển khai tài chính toàn diện.
Mặc dù vậy, trên thế giới vẫn còn khoảng 2 tỷ người chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức, trong đó riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới hơn một nửa. Các DNNVV, người dân nghèo, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản và khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ tài chính vì các lý do như thiếu khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển chưa đồng đều và chưa được đầu tư thích đáng, kiến thức về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Theo Giáo sư kinh tế học Dean Karlan, thuộc Đại học Yale và là Chủ tịch của Quỹ Sáng kiến Hành động Giảm nghèo (IPA), nhiều dữ liệu cho thấy, các dịch vụ tài chính tốt hơn, nhiều đối tượng tiếp cận được hơn sẽ giúp mọi người dễ dàng thực hiện hơn các mục tiêu trong cuộc đời.
Vì vậy nếu ngày càng có nhiều dịch vụ, sản phẩm tài chính sáng tạo, linh hoạt và chi phí thấp sẽ giúp mọi người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, người nghèo giải quyết được các nhu cầu trong cuộc sống của mình một cách dễ dàng hơn.
Cần chính sách thích ứng
Việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện chưa tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng như trên - trong bối cảnh người dân ở đa số các nước đã có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng hơn rất nhiều - cũng khiến tài chính toàn diện chưa thực sự phát triển. Nhưng đồng thời, đang tồn tại một xu hướng là ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện và đang làm thay đổi hình thức, tính chất thị trường cũng như định hình ra hướng phát triển mới của tài chính toàn diện.
Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao thích ứng và hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại.
Theo ông Gregory Chen, Giám đốc Chính sách, Tập đoàn tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP), điều đó đặt ra yêu cầu phải có sự “tăng tốc” và “thích ứng” nhanh chóng của các quốc gia về mặt chính sách cho phù hợp. Là người từng đến Việt Nam làm việc cách đây 22 năm, chuyên gia này cho biết: “Nơi chúng ta đang ngồi đây - khách sạn Marriot, Hà Nội - trước đây chỉ là ruộng lúa.
Từ khi tiến hành đổi mới theo kinh tế thị trường với nhiều quy định, chính sách mới mang tính thích ứng và nhanh chóng đã giúp Việt Nam đạt rất nhiều thành tựu. Điều này cũng hoàn toàn đúng với phát triển tài chính toàn diện. Theo đó về mặt chính sách, chúng ta cần tăng tốc và thích ứng với những thay đổi về công nghệ, cách thức kết nối, cung cấp dịch dụ tài chính hiện nay”.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho thúc đẩy tài chính toàn diện và xem đây là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Chính phủ đang trong quá trình xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, qua đó làm cơ sở để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện. Cụ thể hiện nay, Chính phủ đang tập trung nguồn lực vào xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính.
Là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối về xây dựng chiến lược tài chính quốc gia, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan để tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tài chính toàn diện ở Việt Nam. Đồng thời, phối hợp có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ để tận dụng nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức này để giúp Việt Nam xây dựng và triển khai tài chính toàn diện.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang rà soát và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cần thiết trong hệ thống nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động và cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng xa, vùng sâu, vùng còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á - Thái Bình Dương lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tài chính toàn diện, là cơ hội tốt để Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong việc tổ chức triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. Việt Nam có hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 52% lực lượng lao động toàn xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là thông qua tài chính toàn diện. Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng ưu tiên cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, như các chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến khích đầu tư, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai... Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để người dân và DN có thể tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn với các dịch vụ tài chính, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Do vậy, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm và đồng hành của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để giúp chúng tôi xây dựng và triển khai tài chính toàn diện hiệu quả và bền vững tại Việt Nam”. |