Đóng tàu cá vỏ thép: Chính sách hợp lòng dân
Ngư dân cần được tham gia, giám sát
Chủ trương hiện đại hóa tàu cá của ngư dân thông qua việc hỗ trợ đóng mới tàu vỏ thép phục vụ đánh bắt, dịch vụ nghề cá xa bờ… đang từng bước được triển khai. Nhiều chính sách quan trọng đã được hoạch định, như hỗ trợ cho vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi 2% và mới đây Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương dành 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư…
Tàu vỏ thép đang được Công ty Bảo Duy gấp rút thi công để đưa vào khai thác
Đây là những chính sách phù hợp với lòng dân, bởi đầu tư tàu vỏ thép sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt thủy sản, đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được, an toàn hơn khi tham gia sản xuất trên biển… Hơn nữa, các chính sách này còn động viên bà con ngư dân tham gia đánh bắt trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ biển gìn giữ ngư trường, biển đảo của Tổ quốc.
Nhất là những đội tàu của ngư dân đánh bắt tại khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa - ngư trường chính của ngư dân miền Trung… Song, vấn đề đặt ra là đầu tư tàu đánh cá vỏ thép phải phù hợp với tập quán khai thác của ngư dân và hiệu quả đánh bắt phải tương xứng với chi phí bỏ ra, vì vậy rất cần sự tham gia góp ý và đồng thuận của người dân.
Theo ngư dân Trương Công Minh (TP. Đà Nẵng), tàu vỏ thép được trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ, ra khơi bằng tàu này cảm giác tự tin hơn nhiều so với tàu gỗ, song vốn đầu tư khá lớn nên nhiều ngư dân vẫn e ngại. Giá đầu tư của một tàu vỏ thép từ 5-7 tỷ đồng không phải là con số nhỏ với hầu hết ngư dân, nên việc để ngư dân chủ động tham gia quá trình đóng tàu thì vừa giảm giá thành, vừa tiết kiệm được những khoản chi phí không đáng có.
Con tàu làm ra cũng sẽ đảm bảo được những tính năng khiến ngư dân tự tin nhất, phù hợp với đặc thù khai thác và hiệu quả sử dụng sẽ cao hơn, kéo theo thời gian trả nợ của ngư dân cho Nhà nước cũng sớm hơn.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nêu quan điểm, chủ trương đóng tàu cá vỏ thép cần tạo điều kiện cho bà con được góp ý, lựa chọn mẫu thiết kế cho phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt trên biển như: đầu tư tàu lưới vây, tàu câu mực, tàu câu cá ngừ đại dương, tàu đánh bắt bằng lưới cản… bởi mỗi loại đều có công năng riêng.
Ngoài ra, ngư dân cần phải được trực tiếp giám sát quá trình đóng tàu, được chủ động góp ý trực tiếp với đơn vị sản xuất là con tàu của họ dùng để làm gì, sản xuất thế nào, lưới vây, lưới kéo, lưới rà, lưới cản phải ra sao... Lúc đó, con tàu mới thật sự phù hợp với ngư dân, hiệu suất sử dụng tàu mới cao, tránh lãng phí tiền bạc của Nhà nước cũng như người dân.
Về vấn đề này, ông Trần Công Vinh, Tổng giám đốc CTCP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy đưa thêm thông tin: “Chúng tôi vừa làm việc với Công ty TNHH Cummins DKSH Việt Nam, đơn vị chuyên cung cấp máy cho tàu thủy, để tìm hiểu về giá cả, công suất tàu, loại máy phù hợp với ngư dân miền Trung... DN này hứa nếu có thiết kế tàu thì trong vòng 3 tháng sẽ có máy tại nhà máy đóng tàu để đảm bảo tiến độ đóng, lắp ráp thiết bị, thời gian hạ thủy theo nhu cầu của ngư dân”.
Thay đổi tập quán đánh bắt
Băn khoăn ở khía cạnh khác, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá ĐN-90275, ông Trương Văn Hai (TP. Đà Nẵng) lưu ý thêm, tàu vỏ thép với ngư dân còn xa lạ. Xưa nay, ngư dân miền Trung quen với vận hành tàu gỗ, khi chuyển sang vận hành tàu vỏ thép với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại sẽ khó tiếp cận, lỡ xảy ra vấn đề trục trặc kỹ thuật sẽ không biết cách tự kiểm tra, xử lý.
Như vậy, ngư dân không tự tin vận hành chính con tàu của mình, thậm chí có thể còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi đi biển. “Vì vậy, cùng với việc triển khai đóng tàu vỏ thép, chúng tôi nghĩ các ngành chức năng phải mở lớp đào tạo những kỹ năng cơ bản để khi vận hành tàu vỏ thép ngư dân khỏi bỡ ngỡ”, ông Hai kiến nghị.
Ông Trần Công Vinh chia sẻ: Chủ trương của Nhà nước thì đúng, nhưng vấn đề quan trọng hiện nay là các cấp chính quyền cần thay đổi nhận thức và thói quen đánh bắt cá của bà con ngư dân. “Họ lo ngại sử dụng tàu vỏ thép là hoàn toàn có lý, vì người ta chưa sử dụng bao giờ nên không yên tâm… Nhưng đây không phải là vấn đề lớn”, ông Vinh khẳng định.
Bởi theo ông Vinh, ngoài việc được tham gia đóng góp ý kiến để con tàu làm ra phù hợp với điều kiện của từng hộ dân, ngành nghề đánh bắt và khả năng chi trả, ngư dân còn được chuyển giao công nghệ thông qua việc đào tạo, huấn luyện, tập huấn kỹ thuật sử dụng các thiết bị được trang bị trên tàu, kỹ năng ứng phó khi gặp các sự cố trên biển…
Qua đó, giúp ngư dân khai thác một cách có hiệu quả tàu vỏ thép. Ông Vinh đề xuất, việc tập huấn trang bị kiến thức cho ngư dân nên để DN đóng tàu đảm nhận. Bởi hơn ai hết, những kỹ sư thiết kế, đóng tàu vỏ thép có đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm… nên thực hiện công tác chuyển giao, tập huấn cho ngư dân sẽ thuận lợi hơn.
Quan ngại ở khía cạnh khác, theo ý kiến của nhiều ngư dân, bên cạnh ưu đãi chính sách vay vốn cho ngư dân, Nhà nước cũng cần mở rộng diện ưu đãi cho những tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án hậu cần nghề cá để qua đó hỗ trợ ngư dân bám biển.
Vì điều mà ngư dân băn khoăn nhất hiện nay vẫn là việc tại miền Trung chưa có những cơ sở thu mua hải sản trên biển. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho ngư dân khi tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được.
Nhiều chủ tàu tại TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí dầu, nhưng gần đây các chuyến đi biển đều lỗ, bình quân mỗi tàu lỗ từ 20 - 70 triệu đồng/chuyến. Nguyên nhân được các ngư dân xác định là do bị thương lái ép giá, chất lượng cá không đảm bảo. Những năm trước, bình quân mỗi kg cá có giá 30 nghìn đồng, nhưng hiện nay chỉ còn 15 nghìn đồng… Không ít ngư dân lo lắng, đầu tư tàu vỏ thép với giá trị đầu tư rất lớn nếu lại nằm bờ thì lỗ to?
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:
Thử nghiệm 3 - 4 tàu vỏ thép để xét hiệu quả
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, xâm phạm ngư trường truyền thống, đâm chìm tàu cá, nhưng ngư dân Đà Nẵng vẫn quyết tâm, chủ động bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân được nâng công suất và đóng mới theo chủ trương thành phố hỗ trợ 500 - 800 triệu đồng.
Đà Nẵng khuyến khích ngư dân đóng mới khoảng 3 - 4 tàu vỏ thép để thử nghiệm hiệu quả đánh bắt hải sản. Nếu hiệu quả cao thì có thể nhân rộng...
Ông Trần Văn Lĩnh, Quyền chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng:
Sao cho thuận lòng dân
Việc ngư dân có thêm tàu to, máy khỏe để vươn khơi bám biển được triển khai sớm ngày nào thì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc càng thêm vững vàng ngày đó. Vậy nên giảm thêm một vài phần trăm lãi suất, thậm chí cho vay không lãi suất, hay cho thuê tàu ưu đãi đối với các chủ tàu tâm huyết với biển cũng là động lực để chủ trương đóng mới 30.000 tàu vỏ thép sớm trở thành hiện thực.
Chủ trương đúng đắn đã có, vấn đề còn lại là điều chỉnh và thực hiện như thế nào cho thuận lòng dân, tạo được niềm tin cho dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng ngư dân và đất nước.
Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa:
Đưa tàu vỏ thép vào chuỗi liên kết
Khánh Hòa cùng Phú Yên, Bình Định sẽ phối hợp triển khai Chương trình sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị. Khi ngư dân tham gia chương trình này sẽ được BIDV cho vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép.
Dự kiến, Khánh Hòa khuyến khích ngư dân đóng mới 32 tàu vỏ thép với vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, 15 tàu lưới vây rút với giá trị khoảng 12 tỷ đồng/tàu, 15 tàu câu với mức đầu tư khoảng 8 tỷ đồng/tàu và 2 tàu dịch vụ khoảng 16 tỷ đồng/tàu sẽ được đóng mới theo chương trình.
Đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này là thành viên các tổ đội liên kết sản xuất trên biển, đang có tàu khai thác ở vùng biển xa và có nhiều kinh nghiệm khai thác. Phía ngân hàng sẽ cho vay tối thiểu 80% giá trị con tàu để đóng mới, trang bị máy móc, thiết bị, hầm bảo quản, ngư lưới cụ hiện đại và được thế chấp bằng chính con tàu này. Ngoài ra, ngư dân còn được hỗ trợ 70% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm thuyền viên.
Công Thái