Đồng Tháp: Tiếp vốn cho ngành thủy sản
Đến 10/10, ngành NH Đồng Tháp dành 29.576 tỷ đồng cho vay nông nghiệp nông thôn | |
Ngành Ngân hàng Đồng Tháp: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp |
Với nhiều lợi thế về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra, những năm qua diện tích nuôi cá tra tại Đồng Tháp tăng từ 1.250 ha (năm 2008) lên 2.115,89 ha (năm 2015), với sản lượng hiện nay đạt 396.350 tấn, năng suất bình quân đạt 339 tấn/ha, kim ngạch xuất khẩu vượt 620 triệu USD và vươn lên đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi cá tra thì công nghệ trong chăn nuôi cũng được các DN và hộ dân áp dụng, nhất là mô hình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP cá tra.
Cá tra là lĩnh vực sản xuất được Đồng Tháp ưu tiên phát triển và ngành NH hướng vốn vào cho vay |
Có thể nói, việc hình thành hợp tác xã sản xuất cá tra theo VietGAP là một bước đi mới giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết với DN sản xuất chế biến trong sản xuất. Các DN có nguồn nguyên liệu ổn định, truy xuất được nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát, giảm thiểu được chi phí vận chuyển và đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên để xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn. Do đó, Nhà nước, tỉnh và ngành NH đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, các hộ nuôi cá tra VietGAP và các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn Đồng Tháp đã có hơn 723 ha diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 642 ha nuôi cá tra được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BAP và ASC, 81,56 ha nuôi tôm càng xanh được chứng nhận VietGAP.
Diện tích thả nuôi cá tra tính từ đầu năm 2016 đến nay là 2.142,92 ha, đã thu hoạch được 400.717 tấn/1.053,33 ha, đạt 98,94% kế hoạch. Diện tích đang nuôi là 1.089,95ha, diện tích treo ao là 48,46ha. Giá cá tra thương phẩm, cá có trọng lượng bình quân 0,7 - 0,8 kg/con dao động từ 21.000 - 22.300 đồng/kg, tùy theo chất lượng và phương thức thanh toán.
Bên cạnh cá tra, hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm càng xanh cũng đang được các hộ dân và DN tỉnh Đồng Tháp nhân rộng. Tỉnh đã xây dựng được vùng nuôi tôm rộng 50 ha, thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm càng xanh được áp dụng như được vay vốn ưu đãi với lãi suất 7%/năm, hỗ trợ 100% chi phí con giống cho các mô hình thí điểm ứng dụng sản xuất theo quy trình mới, hỗ trợ 50% chi phí con giống cho hộ đăng ký chứng nhận VietGAP và hỗ trợ về chuyên môn trực tiếp cho các mô hình ở vùng nuôi.
Theo sát chủ trương phát triển ngành thủy sản của địa phương, ngành NH Đồng Tháp thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ vốn cũng như các chính sách ưu đãi đối với nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt cho vay trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến cá tra.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Quê cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp trong năm 2016 đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của ngành, địa phương đối với hoạt động NH cũng như các chính sách về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, lĩnh vực thủy sản và cá tra, tập trung hỗ trợ DN và hộ dân.
Về hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, theo số liệu NHNN chi nhánh Đồng Tháp, dư nợ đến 31/12/2016 đạt 8.109.178 triệu đồng, so với đầu năm 2016 tăng 0,15%. Trong đó, dư nợ nuôi trồng thủy sản là 3.499.553 triệu đồng; dư nợ thu mua, chế biến thủy sản là 4.609.625 triệu đồng.
Giám đốc Nguyễn Văn Quê nhấn mạnh, các TCTD trên địa bàn đã chủ động tăng cường công tác huy động vốn tạo nguồn cho tăng trưởng tín dụng bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng vay nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cá tra theo kế hoạch đề ra. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN, hộ dân nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản dễ dàng tiếp cận vốn, đẩy mạnh phát triển sản xuất.