Ngân hàng hướng mạnh về nông thôn
Chiếm lĩnh thị trường tín dụng nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen | |
Rộng cửa cho vốn vào nông nghiệp | |
Sẽ có cuộc cách mạng mới đối với tam nông |
Thành công lớn với ngân hàng ô tô
Tiêu biểu và hiệu quả trong hoạt động thúc đẩy đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có lẽ phải kể đến đầu tiên là “chiến dịch” ngân hàng lưu động trên ô tô mà Agribank đã thực hiện trong suốt năm 2018. Những thống kê của Agribank cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 10/2018, đã có khoảng 35 chi nhánh của Agribank tổ chức được các tuyến giao dịch lưu động, phục vụ cho khoảng 30.800 lượt khách hàng là người dân ở các khu vực nông thôn, vùng núi ở gần 20 tỉnh, thành trên cả nước. Các tuyến ngân hàng lưu động của Agribank đã tổ chức được gần 2.000 phiên giao dịch, giải ngân hàng ngàn tỷ đồng vốn vay và huy động thành công hàng trăm tỷ đồng từ các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ.
Hàng ngàn tỷ đồng vốn vay đã được giải ngân… trên ô tô như thế này |
Theo đại diện Agribank, hoạt động ngân hàng lưu động trên ô tô kế thừa từ mô hình ngân hàng trên ô tô mà thời điểm những năm 2000 khi Agribank và BIDV phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai dự án Tài chính nông thôn I đã thực hiện khá hiệu quả. Thực tế giai đoạn 2004-2005, Agribank đã đầu tư trên 110 tỷ đồng để mua 300 ô tô chuyên dụng từ Nhật Bản. Số xe này sau đó được đưa đến 29 tỉnh, thành phía Bắc từ Nghệ An trở ra phía Bắc nhằm phục vụ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi - những nơi người dân không có điều kiện tiếp xúc với các phòng giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018 thì mô hình ngân hàng lưu động trên ô tô mới thực sự được Agribank đầu tư bài bản và triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống. Theo đó trong giai đoạn 1, Agribank sẽ đầu tư 68 xe lưu động và giai đoạn 2 ngân hàng này sẽ sắm thêm gần 200 xe ô tô chuyên dụng nữa để triển khai cho tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Nhận định về những kết quả tích cực mà đề án ngân hàng lưu động trên ô tô đã thực hiện được trong năm 2018, đại diện lãnh đạo Agribank cho rằng, mô hình này thực sự là một cầu nối truyền tải vốn vô cùng hiệu quả. Hầu hết các chi nhánh triển khai ngân hàng ô tô đều được chính quyền và nhân dân địa phương hoan nghênh và ủng hộ. Số lượng giao dịch chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn kinh doanh… ở mỗi tuyến ngân hàng lưu động đều đạt con số hàng trăm nghìn lượt sau một năm thí điểm triển khai.
Đáng mừng hơn cả là với những “ngân hàng ô tô”, việc kết nối giữa Agribank với người dân ở các vùng quê nghèo trở nên mật thiết và tràn đầy nghĩa tình. Khách hàng được phục vụ tại chỗ, tiết giảm đáng kể thời gian và chi phí đi lại, việc đảm bảo an ninh, an toàn và phổ cập những sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản đối với người dân nghèo ở các khu vực kinh tế khó khăn vì thế cũng được thực hiện tốt hơn.
Cùng Fintech nối dài những cánh tay
Bên cạnh chương trình ngân hàng lưu động của Agribank, năm 2018 cũng chứng kiến việc hàng loạt các NHTM khác mở rộng hoạt động về quê. Theo đó, trong suốt năm, hàng chục NHTMCP như: Techcombank, SHB, HDBank, LienVietPostBank, ACB, OCB… đã mở thêm mỗi đơn vị từ 3-10 chi nhánh hoặc điểm giao dịch tại khu vực nông thôn. Có những ngân hàng quy mô nhỏ như Nam A Bank thậm chí còn được NHNN chấp thuận thành lập thêm 30 phòng giao dịch và 5 chi nhánh mới tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài việc mở ra những chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống, để phủ sóng rộng hơn đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, các NHTM cũng đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) và các tập đoàn kinh tế lớn để phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch thông qua các phần mềm, ứng dụng tài chính số hóa.
Theo thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) đến quý IV/2018 một số NHTM đã được cấp phép thí điểm kết hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông triển khai một số dịch vụ thanh toán tới khu vực vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân.
Nổi bật trong số đó là 3 mô hình chuyển tiền như mô hình dịch vụ chuyển tiền nhanh của PGBank - trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn. Mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank - trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của M_Service ở khu vực nông thôn. Mô hình chuyển tiền của MB - trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Viettel ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo…
Tất cả các mô hình trên đã mang lại những kết quả rất tích cực: Số lượng giao dịch thông qua ba mô hình thí điểm đại lý ngân hàng này đến cuối quý III/2018 đạt mức trên 22 triệu giao dịch với khoảng 8,8 triệu lượt người trải nghiệm và trên 100.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán thường xuyên hoạt động.
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng địa bàn bằng cách hợp tác với các Fintech, trong năm 2018, nhiều nhà băng cũng đã chủ động triển khai những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ ngân hàng số để khai thác thị trường nông thôn. Theo đó, các NHTM có mạng lưới rộng khắp ở khu vực nông thôn như Agribank, LienVietPostBank, VietinBank, MB… đã tận dụng nhu cầu vay vốn tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp ở các địa phương. Theo đó, một mặt triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy trình khép kín, mặt khác đưa vào các ứng dụng thanh toán di động.
Những thống kê của NHNN cho thấy đến quý IV/2018 hoạt động cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thu hút khoảng 20 NHTM tham gia cung ứng vốn với tổng dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng. Trên cả nước đã có 66 TCTD và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn đến quý IV/2018 đạt mức gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2017 và chiếm gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Khuyến khích mở rộng địa bàn về nông thôn Nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng địa bàn về các tỉnh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong năm vừa qua ngoài việc sẵn sàng chấp thuận cho các NHTM thành lập mới chi nhánh và phòng giao dịch ở khu vực nông thôn, NHNN cũng đã ban hành các quy định pháp lý để hạn chế các TCTD quá tập trung vào quy mô ở các chi nhánh đô thị mà bỏ qua các địa bàn kinh tế khó khăn. Theo đó, Thông tư số 21/2013/TT-NHNN của NHNN bắt buộc các NHTM chỉ được mở tối đa 10 chi nhánh tại khu vực nội đô Hà Nội và TP.HCM. Lượng vốn đối ứng đối với các chi nhánh ngân hàng ở khu vực các thành phố lớn là 300 tỷ đồng/chi nhánh; trong khi các chi nhánh ở khu vực nông thôn, mỗi chi nhánh chỉ phải đảm bảo lượng vốn đối ứng là 50 tỷ đồng. Số lượng phòng giao dịch ở khu vực Hà Nội và TP.HCM chỉ được lớn hơn gấp đôi số lượng chi nhánh. Trong khi đó ở các khu vực khác các NHTM có thể tăng số phòng giao dịch lên gấp 3 lần số chi nhánh đóng tại địa phương. |