Draghi sẽ “hạ cánh mềm” cho chính sách kích thích khi ECB vẫn lo lạm phát
Phó Chủ tịch ECB: Lạm phát sẽ tăng dù tiền lương yếu | |
ECB: Các ngân hàng khu vực đồng euro chuẩn bị tốt cho cú sốc lãi suất | |
Chủ tịch ECB cảnh báo về động thái chính sách vội vã |
Chủ tịch ECB Mario Draghi |
Cuộc họp chính sách của ECB diễn ra hôm thứ Năm (26/10) để thảo luận về quy mô và khi nào chương trình mua trái phiếu khổng lồ sẽ kết thúc là một trong những vấn đề được các nhà đầu tư và giới chuyên gia mong đợi nhất kể từ đầu năm 2015 khi chương trình này được công bố. Quyết định của ECB sẽ được công bố vào lúc 1h45 pm ở Frankfurt và Draghi sẽ có buổi họp báo sau đó 45 phút.
Đó là một dấu ấn của Chủ tịch ECB, người đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công và tình trạng giảm phát trong khu vực đồng Euro, nhưng có thể kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 10/2019 mà không đạt được mục tiêu lạm phát hoặc tăng lãi suất của ECB.
Hội đồng Thống đốc của ECB có vẻ sẽ cắt giảm quy mô mua vào tài sản hàng tháng từ mức 60 tỷ euro (71 tỷ USD) hiện nay và sẽ kéo dài thời hạn cho đến khi đạt quy mô cho phép trong khi chờ đợi sự phục hồi của giá tiêu dùng.
Ông Draghi sẽ không muốn lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet, người đã tăng lãi suất hai lần trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ECB của mình vào năm 2011, chỉ để ông Draghi đảo ngược việc tăng lên này ngay sau khi nhậm chức.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự đoán chương trình mua tài sản của ECB sẽ được kéo dài thêm 9 tháng, song quy mô sẽ được giảm xuống còn 30 tỷ euro mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 1/2018. Trong khi các nhà kinh tế của Bloomberg dự đoán là ECB chỉ kéo dài chương trình thêm 6 tháng với quy mô mua hàng tháng là 40 tỷ euro.
Hiện các thành viên Hội đồng Thống đốc của ECB đang bị chia rẽ về việc có nên đưa ra ngày kết thúc cố định cho chương trình hay không, một lựa chọn là giữ nguyên cam kết hiện tại là có thể nới thời hạn của chương trình hoặc tăng tốc độ mua vào hàng tháng nếu cần.
ECB cũng đang xem xét đưa ra một biện pháp liên quan, đó là tái đầu tư số tiền thu được từ các trái phiếu đáo hạn. Khoản chi tiêu bổ sung, trung bình khoảng 15 tỷ euro một tháng vào năm 2018 và có thể kéo dài trong nhiều năm, có thể hoạt động như một liệu pháp “hấp thụ sốc” trong bối cảnh bất kỳ sự lo ngại về thị trường nào về việc thu hẹp kích thích.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế không mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào trong hướng dẫn chuyển tiếp rằng lãi suất sẽ không thay đổi cho đến khi kết thúc chương trình mua tài sản ròng. Họ dự đoán lần tăng lãi suất, có thể là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Draghi, sớm nhất cũng chỉ đến trong nửa đầu năm 2019.
Một yếu tố quan trọng đối với ECB là lượng nợ sẵn vẫn thấp hơn nhu cầu của nó. Một số quan chức cho biết “room” chỉ mua được ít hơn 200 tỷ euro trong năm 2018 để nâng tổng lượng nắm giữ lên khoảng 2,5 nghìn tỷ euro.
Trong khi các NHTW tại một số nước nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm, mối quan tâm nổi bật nhất là Đức. Quốc gia này chiếm phần lớn nhất của QE nhưng thặng dư ngân sách của chính phủ Đức có nghĩa là số nợ quốc gia đang giảm dần.
Do đó các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ phải hiệu chỉnh cẩn thận mức độ cắt giảm mua tài sản. Việc thoái lui quá mạnh có thể làm chấn động tới đồng euro và trái phiếu của Đức. Các nhà hoạch định chính sách tại hai cuộc họp gần đây của ECB đã bày tỏ lo ngại rằng sự tăng vọt của đồng tiền chung trong năm nay - tăng 12% so với đồng USD - có thể làm suy yếu sự phục hồi bằng cách kiềm chế lạm phát và giảm xuất khẩu.
Tin tốt lành - mà Draghi có thể dự kiến sẽ nhấn mạnh - đó là nền kinh tế của khu vực đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất trong một thập niên và có thể có khả năng chịu được cú sốc vừa phải.
Tuy nhiên, ECB đã nhắc lại rằng “chúng ta vẫn chưa có” lạm phát, chỉ ở mức 1,5% trong tháng trước và theo dự đoán của ECB sẽ không đạt được mục tiêu ngay sát dưới 2% ít nhất là vào cuối năm 2019.
Điều quan trọng đối với ECB là lạm phát phải tự duy trì chứ không phụ thuộc vào các yếu tố kích thích tiền tệ hoặc các yếu tố dễ biến động như giá dầu và lương thực và có những dấu hiệu cải thiện mới mẻ.
Yếu tố đang lo ngại nhất có thể là tiền lương, gần như không thay đổi mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm tương đối nhanh trong 4 năm qua. Một giải thích có thể là các thước đo tiêu chuẩn hiện nay vẫn đánh giá thấp mức thất nghiệp. ECB đã phát triển một thước đo rộng hơn bao gồm những người làm việc ít hơn họ muốn, và theo thước đo nay thất nghiệp gần gấp đôi tỷ lệ chính thức.
Quay trở lại với chương trình mua trái phiếu của ECB, các ý kiến công khai gần đây của các thành viên Hội đồng Thống đốc cho thấy họ khá đồng thuận là đã gần đến thời điểm thoát ra và điều đó khiến Draghi nói ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với số lượng lớn các quyết định tại cuộc họp này.
Tuy nhiên, với 19 Thống đốc ngân hàng trung ương và 6 thành viên Ban điều hành, họ vẫn có thể không đạt được dồng thuận. Nếu vậy, ECB sẽ phải quay trở lại với vấn đề này tại cuộc họp cuối cùng của năm vào ngày 14/12.