Du lịch Ninh Thuận khởi sắc
Ảnh minh họa |
Trong năm 2016, Ninh Thuận đón 1,7 triệu lượt du khách, tăng 13,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, khách quốc tế khoảng 55.000 lượt, tăng 37,5%; khách nội địa trên 1,64 triệu lượt, tăng 12,67%....
Có được kết quả khả quan đó, chính nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, trong đó việc đầu tư cho quảng bá xúc tiến du lịch đã được cải thiện và có chiều sâu. Cùng với đó, công tác kêu gọi đầu tư và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Năm 2016, Ninh Thuận đã thành công trong công tác kêu gọi đầu tư phát triển ngành du lịch địa phương. Có 13 dự án đầu tư vào du lịch trong tổng số 123 dự án thuộc các lĩnh vực.
Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận vào cuối tháng 8/2016, địa phương này đã thu hút được 2 dự án du lịch ký biên bản ghi nhớ như dự án Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark của Công ty cổ phần Mũi Dinh EcoPark; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng mũi Sừng Trâu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Ngoài ra, trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số DN đầu tư xây dựng khách sạn. Hiện Ninh Thuận có 43 dự án, với tổng diện tích trên 1.100 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 11.000 tỷ đồng. Có thể nói, đến nay Ninh Thuận đã ghi một chấm lớn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Về cơ sở lưu trú, hiện Ninh Thuận có 9 khách sạn mới đăng ký hoạt động, với 126 phòng, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn lên 108 cơ sở, với 2.300 phòng. Trong đó, bao gồm 1 resort cao cấp 53 phòng (Amanơi), 1 khách sạn 4 sao (122 phòng), 1 khách sạn 3 sao (188 phòng), 8 khách sạn 2 sao (531 phòng), 10 khách sạn 1 sao và các cơ sở lưu trú đạt chuẩn khác… Với điều kiện này, Ninh Thuận cơ bản đảm bảo nhu cầu của du khách đến tham quan, lưu trú tại địa phương.
Không chỉ có nghỉ dưỡng, thời gian qua, ngành du lịch Ninh Thuận đã chú trọng khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng ăn uống… Đơn cử như TP. Phan Rang - Tháp Chàm hình thành các sản phẩm du lịch như Khu trung tâm dịch vụ thành phố, với đầy đủ tiện ích phục vụ khách gồm các dịch vụ giải khát, ăn uống nhanh, vui chơi giải trí trẻ em được hình thành rộng khắp...
Hiện Phan Rang - Tháp Chàm đang phối hợp với các ngành triển khai đầu tư việc trồng cây xanh, xây dựng nhà vệ sinh công cộng ngầm, bố trí các dịch vụ bán hàng lưu niệm, quầy thông tin du lịch, các dịch vụ giải trí công cộng dành cho mọi lứa tuổi, chợ đêm liền kề Công viên 16 Tháng 4…
Cạnh đó, các khu du lịch Vĩnh Hy, Bình Tiên, Tháp Pô Klong Garai, làng Gốm Bàu Trúc, làng Dệt Mỹ Nghiệp, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, thác SaKai, thác Chapơr, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm, Hội quán Trung tâm Văn hóa tỉnh, Công viên 16 Tháng 4, Công viên biển, Bảo tàng, Tượng đài, công viên Ninh Hải… cùng với nhiều nhà hàng lớn có sức chứa 300-400 chỗ, đủ đáp ứng cho nhiều đoàn khách lớn và tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo… Những cơ sở này, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ dịch vụ của du khách và người dân địa phương...
Có thể nói, đến nay Ninh Thuận đã ghi một chấm lớn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Theo các chuyên gia, thời gian tới, Ninh Thuận cấn “mạnh tay” hơn nữa trong việc đầu tư phát triển ngành Du lịch. Bởi Ninh Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế mà những địa phương khác không có.