Dù muốn hay không, Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là xu thế
Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, của từng khu vực và cả toàn cầu đã và đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Dự báo sẽ có 86% người lao động mất việc làm vì cuộc cách mạng công nghiệp này, ngược lại không ít ngành và lĩnh vực đang được báo động là thiếu nguồn nhân lực.
Họp báo công bố sự kiện |
“CMCN4.0 vừa là thách thức song cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng, xử lý hàng loạt vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp”, theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
“Nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm đến CMCN 4.0”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định. Còn theo ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Mấy năm gần đây chúng ta nói nhiều về cuộc cách mạng này và cũng nhiều hội thảo đã được tổ chức nhưng nhận thức về CMCN 4.0 chưa cao. Chúng ta sẽ ứng phó thế nào, chuẩn bị ra sao để bắt kịp CMCN4.0”.
Hội thảo – triển lãm “Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017” là triển lãm – hội thảo quốc tế sẽ giúp nâng cao nhận thức về CMCN 4.0. Sự kiện này nhằm mục đích: Giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng DN thảo luận về định hướng, các giải pháp thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Sự kiện này cũng sẽ tạo lập kênh kết nối các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu tiềm năng, môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp thông minh.
Điểm nhấn của sự kiện là triển lãm quốc tế về công nghệ thông minh, quy tụ trên 50 gian hàng đến từ các đơn vị công nghệ, công nghiệp, sản xuất hàng đầu thế giới (Mỹ, châu Âu, Isarel, Hàn Quốc, Nhật Bản,...). Các gian hàng triển lãm được phân bố không gian theo 3 khu vực: Khu Fintech; khu giải pháp phần mềm; khu giải pháp về hạ tầng thông tin và phần cứng (robot, tự động hóa, mô hình thành phố thông minh…).
Ngoài hoạt động hội thảo và triển lãm, hoạt động giới thiệu, kết nối đầu tư công nghệ thông minh sẽ diễn ra tại các phòng họp nhỏ xung quanh khu vực tổ chức hội thảo và triển lãm.
Song song với triển lãm là 4 hội thảo quốc tế có quy mô lớn được tổ chức, đó là hội thảo "Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai"; "Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá: xu hướng và giải pháp"; "Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số"; "Chiến lược xây dựng đô thị thông minh". Bên cạnh đó, hoạt động giới thiệu, kết nối đầu tư công nghệ thông minh sẽ diễn ra tại các phòng họp nhỏ xung quanh khu vực tổ chức Hội thảo và Triển lãm.
Theo Ban Tổ chức tham dự Hội thảo và Triển lãm gồm có: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương và dự kiến trên 1500 đại biểu là tổng giám đốc, giám đốc CNTT và đại biểu trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y tế, viễn thông, tài chính - ngân hàng…; các DN Việt Nam; các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, học viên, sinh viên và người dân có quan tâm đến các hoạt động của triển lãm; các nhà tài trợ; đại diện các cơ quan truyền thông.