ECB giữ nguyên chính sách siêu nới lỏng và các cam kết chính sách
Ảnh minh họa |
Theo đó, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay chuẩn và lãi suất tiền gửi ở mức 0,00%, 0,25% và -0,40%. ECB cũng kỳ vọng các mức lãi suất chính sách này sẽ ở mức hiện tại trong một khoảng thời gian dài, cho đến khi kết thúc chương trình mua tài sản ròng.
ECB cũng giữ nguyên chương trình mua vào trái phiếu với quy mô hàng tháng ở mức 30 tỷ USD (37,16 tỷ USD), kéo dài cho tới cuối tháng 9/2018, hoặc lâu hơn nếu cần thiết và trong bất kỳ trường hợp nào cho đến Hội đồng Thống đốc của ECB nhận thấy một sự điều chỉnh bền vững về lạm phát hướng tới mục tiêu gần 2% của họ. ECB cũng khẳng định sẵn sàng tăng chương trình mua tài sản cả về về quy mô và thời gian nếu cần.
Mặc dù một quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ECB đã được thị trường dự báo từ sớm, song không ít nhà đầu tư và cả giới chuyên gia dự đoán ECB sẽ thay đổi những hướng dẫn chính sách của mình tại cuộc họp lần này, đặc biệt sau những lời lẽ đầy lạc quan của các quan chức được thể hiện trong Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2017 vừa được công bố mới đây.
Tại cuộc họp báo diễn ra sau đó Chủ tịch ECB Mario Draghi phải đối mặt với câu hỏi về việc đồng euro đã tăng 5% so với đồng USD trong những tuần gần đây, và điều đó có ảnh hưởng tới mục tiêu của ECB khi triển khai chương trình kích thích kinh tế với việc kéo tụt lạm phát.
Chủ tịch ECB cũng nhìn nhận, sự tăng giá gần đây của đồng euro trên các thị trường ngoại hối là một “nguồn không chắc chắn” đối với triển vọng lạm phát của khu vực đồng euro và các nhà hoạch định chính sách của ECB. “Sự biến động gần đây của tỷ giá hối đoái là nguồn không chắc chắn, đòi hỏi phải giám sát các tác động có thể có của nó đối với triển vọng lạm phát trong trung hạn”, ông nói.
Theo đó, việc đồng euro mạnh lên sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu từ khu vực trở nên đắt đỏ hơn, trong khi hàng nhập khẩu vào khu vực lại rẻ hơn, qua đó hạn chế phần nào nỗ lực trị giá hàng nghìn tỷ euro của ECB nhằm thúc đẩy lạm phát trong khu vực.
Đà tăng của đồng euro so với USD đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiếp thêm động lực trong tuần này khi ông hoan nghênh đồng USD yếu. Chính vì vậy, tại buổi họp báo, Draghi đã chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã vi phạm cách những quy tắc chung khi nói về tỷ giá hối đoái, vốn đã được thống nhất tại cuộc họp Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 10, trong đó có cam kết không đưa ra lời bình luận để thúc đẩy sự mất giá của đồng nội tệ vì mục tiêu cạnh tranh.
Theo giới phân tích, đó là điều tốt nhất mà Draghi có thể làm để phản ứng với sự tăng giá của đồng euro bởi nếu sử dụng các biện pháp khác để ngăn đà tăng này có thể sẽ làm dấy lên những mối hoài nghi về đà phục hồi của kinh tế khu vực. Đó là điều ông không muốn.
Draghi cũng đã nói trong một bức thư được công bố vào hôm thứ Tư rằng sự mạnh lên của đồng tiền chung là một tác dụng phụ chứ không phải là mục tiêu của chính sách của ECB.
Một động thái khác cho thấy Draghi không muốn đồng euro mạnh lên đó là đã ông nhấn lại một lần nữa tại buổi họp báo rằng chương trình mua vào tài sản sẽ tiếp tục cho tới hết tháng 9 và ECB sẵn sàng mở rộng chương trình cả về quy mô và thời gian nếu cần. Ông cũng khẳng định, “ít có cơ hội” tăng lãi suất trong năm 2018.
Tuy nhiên, đường như những nỗ lực gián tiếp này của ông Draghi không mang lại hiệu quả khi đồng tiền chung vẫn tiếp tục tăng mạnh, thậm chí có thời điểm đã vượt qua mức 1,25 USD – mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, đồng tiền chung tăng gần 0,2% lên mức 1,2419 USD/oz.