ECB giữ nguyên quan điểm chính sách do lo ngại lạm phát yếu
Cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2017 của ECB đã kết thúc hôm qua với việc ECB quyết định vẫn giữ nguyên các mức lãi suất chính sách như hiện nay, đặc biệt là vẫn kiên định với kế hoạch chính sách trong năm tới năm tới bất chấp áp lực từ một số nhà hoạch định chính sách là kinh tế khu vực đang phục hồi mạnh mẽ và ECB cần theo sát xu hướng thắt chặt của Fed.
Theo đó, 6 tuần sau khi quyết định cắt giảm một nửa quy mô mua tài sản hàng tháng bắt đầu từ tháng 1/2018, ECB một lần nữa nhắc lại cam kết tiếp tục mua trái phiếu ít nhất cho đến cuối tháng 9, cũng như tiếp tục tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn cho đến sau đó để hỗ trợ sự tăng trưởng và lạm phát.
Đối mặt với 5 năm lạm phát yếu ớt, ECB đã triển khai toàn bộ các công cụ chính sách của mình như cắt giảm lãi suất xuống dưới 0, cho các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp và mua vào trái phiếu với quy mô chưa từng có 2,55 nghìn tỷ USD.
Nỗ lực của họ đã được đền dáp phần nào khi nền kinh tế khu vực đồng tiền chung đang tăng trưởng tốt nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2009, qua đó tạo điều kiện cho ECB thu lại các chính sách kích thích của mình.
Thậm chí, không ít nhà hoạch định chính sách cho rằng ECB đang quá chậm chạm và cần quyết đoán hơn khi báo hiệu việc chấm dứt nới lỏng định lượng để tạo dư địa chính sách đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng giống như Fed, ECB vẫn tỏ ra quan ngại về lạm phát yếu ớt tại khu vực. Theo đó, mặc dù nâng nhẹ triển vọng lạm phát, song ECB dự báo lạm phát chỉ ở mức 1,7% vào năm 2020 – thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà ECB đẳ ra là gần 2%.
Phát biểu tại buổi họp báo được tổ chức sau đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, triển vọng lạm phát vẫn rất yếu ớt và do đó cần phải có những gói kích thích “dồi dào”.
Vì vậy, mặc dù nâng dự báo tăng trưởng và lạm phát lên một chút, nhưng ECB không hề thảo luận về việc thay đổi lập trường hoặc các hướng dẫn chính sách như mong đợi của thị trường. Thậm chí, theo Draghi, các nhà hoạch định chính sách cũng không thảo luận về thời điểm kết thúc chương trình mua vào trái phiếu.
Tuy nhiên, Draghi cho biết thêm là niềm tin của ông về việc đạt được mục tiêu lạm phát cao hơn 2 tháng trước và không thấy có ảnh hưởng tiêu cực từ việc thắt chặt của Fed khi cơ quan này vừa tăng tiếp lãi suất lần thứ 3 trong năm vào thứ Tư.
“Hãy nhớ lại một so sánh khu vực đồng euro là bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt”, nhà kinh tế học của ING Carsten Brzeski cho biết. “ECB là bác sĩ chính, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng và giúp ông ta đi bằng nạng tiền tệ”.
“Hôm nay, Draghi một lần nữa nói rõ rằng đi bộ, thậm chí đi nhanh, mà không tạo ra lạm phát là tốt. Một cách chữa bệnh hợp lý. Chỉ khi bệnh nhân có thể chạy được thì những chiếc nạng mới được bỏ”.
Tuy nhiên, sự thận trọng của ECB không khỏi khiến thị trường thất vọng khi họ đang kỳ vọng lớn là ECB sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn để đưa ra quyết định chính thức vào giữa năm tới về việc kết thúc kế hoạch mua trái phiếu.
Đồng euro vì thế đã sụt giảm khá mạnh trong phiên hôm qua sau khi quyết định chính sách của ECB được công bố và chỉ phục hồi nhẹ trong sáng nay.