Fed nghĩ gì về đường cong lợi suất đảo ngược?
Lo thương chiến, vốn ngoại "ồ ạ" rút khỏi thị trường mới nổi từ đầu tháng 8 | |
Thâm hụt ngân sách nghìn tỷ đô - lý do khác để Fed cắt giảm lãi suất | |
Đồng USD sẽ suy yếu nếu Fed chiều lòng ông Trump |
Trong bối cảnh biến động thị trường tài chính gần đây, lợi suất của một số trái phiếu Chính phủ dài hạn đã giảm xuống thấp hơn lợi suất của các công cụ nợ ngắn hạn. Hiện tượng đó được gọi là “đảo ngược đường cong lợi suất”, một dấu hiệu cảnh báo trong quá khứ về những bất ổn kinh tế khi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro trong vòng 2 năm tới lớn hơn so với 10 năm tới và điều đó không phải là một dấu hiệu tốt cho tăng trưởng trong ngắn hạn.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều người khác đã kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm tiếp lãi suất. Vấn đề là liệu Fed có quan tâm đến những gì mà ông Trump gọi là “đường cong lợi suất bị đảo ngược một cách điên khùng” hay không?
Dưới đây là những bình luận của các nhà hoạch định chính sách của Fed trong hơn 2 năm qua về vấn đề này.
Ngày 14/8, lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm giảm xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu 2 năm |
Ngày 1/12/2017: “Có một rủi ro rất thực... nếu Ủy ban Thị trường mở Liên bang – FOMC tiếp tục với quan điểm chính sách hiện tại của mình”, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nói. Vị quan chức Fed này đã dự báo đường cong lợi suất sẽ bị đảo ngược vào cuối năm 2018.
Ngày 20/8/2018: “Tôi cam đoan với bạn rằng tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ điều gì khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược và tôi hy vọng rằng trong tương lai tôi sẽ không phải đối mặt với điều đó”, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói. Bình luận trên đã cho thấy phần nào tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed tại thời điểm đó. Khi đó, kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và dường như đủ mạnh để có thể chịu đựng được việc tăng tiếp lãi suất.
Ngày 6/9/2018: “Tôi không thấy việc đường cong lợi suất bị nắn thẳng hoặc đường cong lợi suất bị đảo ngược là yếu tố quyết định đối với điều hành chính sách tiền tệ”, Chủ tịch Fed New York John Williams nói. Là một trong những quan chức quan trọng của Fed thời điểm đó, John Williams đã từng phát biểu rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi mà tất cả các mức lãi suất và chênh lệch giữa chúng đều thấp hơn, một đường cong lợi suất đảo ngược có thể là kết quả của sự thay đổi cấu trúc trên thị trường và không phải là tín hiệu đáng sợ.
Ngày 12/9/2018: “Toàn bộ các mức lãi suất đều thấp hơn và sự thay đổi hành vi của nhà đầu tư, có thể làm sai lệch phần nào những kết luận về các mối quan hệ với đường cong lợi suất trong lịch sử”, Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết. Đó là một ví dụ cho thấy một số thành viên của Hội đồng Thống đốc của Fed đã đồng ý rằng đường cong lợi suất có thể không mang ý nghĩa như trong quá khứ.
Ngày 24/3/2019: “Một số điều này mang tính cấu trúc, tất yếu với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lãi suất thực thấp hơn... Trong môi trường đó, lẽ đương nhiên là đường cong lãi suất có phần phẳng hơn”, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans.
Ngày 25/3/2019: “Tôi không nhận được nhiều thông tin từ hình dạng của đường cong lợi suất như một số người nói”, Chủ tịch Fed tại Boston Eric Rosengren phát biểu.
Ngày 26/3/2019: “Tôi không thấy có gì phải hoảng sợ”, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết khi mà trong tháng đó, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm - một thước đo được nhiều quan chức Fed theo dõi sát sao - đã đảo ngược.
Ngày 4/6/2019: “Chúng ta sẽ sớm đi vào đó. Nó chắc chắn là vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát”, Phó chủ tịch Fed Richard Clarida. Fed vào thời điểm đó đang chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Nhưng ngay cả những quan chức cấp cao của Fed dường như chưa hoàn toàn sẵn sàng để thảo luận nghiêm túc về đường cong lợi suất.
Ngày 25/6/2019: “Tất nhiên, chúng tôi đang quan sát đường cong lợi suất... Nhưng đó chỉ là một trong số nhiều điều kiện tài chính... Không có điều gì trong thị trường tài chính rộng lớn mà chúng tôi coi là điều chi phối”, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố.
Fed đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỷ vào tháng 7. Tuy nhiên, khoảng từ 2 năm đến 10 năm trên đường cong lợi suất đã bị đảo ngược chỉ hai tuần sau đó. Sự đảo ngược này dường như là phản ứng đối với các vấn đề lớn hơn, trong đó lớn nhất là nỗi lo về sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên chênh lệch lợi suất nhanh chóng đã tăng trở lại lên trên mức 0.
Chính vì vậy, trong phát biểu hôm thứ Năm tuần trước (15/8/2019), Chủ tịch Fed St. Luis James Bullard cho rằng, sự đảo ngược một phần đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc trong tuần này cần phải duy trì trong một khoảng thời gian để được coi là một tín hiệu “suy giảm” đối với nền kinh tế Mỹ vốn đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay.
Điều đó cho thấy hiện vẫn còn nhiều bàn cãi về sự đảo ngược ngắn ngủi của đường cong lợi suất có phải là lời cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế như đã từng diễn ra trong quá khứ hay không. Được biết cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 17-18/9 tới.