Lo thương chiến, vốn ngoại "ồ ạ" rút khỏi thị trường mới nổi từ đầu tháng 8
Sau khi Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, xuống biên độ 2,0% đến 2,25%; tiếp tục đe dọa đánh thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, dòng tiền vào các thị trường mới nổi (Emerging Market) có dấu hiệu đảo chiều.
Theo số liệu từ Bloomberg, tính từ đầu tháng 8 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tại nhiều thị trường chứng khoán các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như đã bán ròng 1,38 tỷ USD trên sàn chứng khoán Ấn Độ; 1,2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hàn Quốc; 968 triệu USD trên sàn chứng khoán Đài Loan; 523,7 triệu USD trên sàn chứng khoán Thái Lan... Điều này đã khiến chỉ số MSCI Emerging Markets giảm từ mức 1037.01 điểm vào ngày 31/7/2019 xuống mức 981,19 điểm vào cuối ngày 9/8/2019.
Riêng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, tính từ đầu tháng 8 tới nay khối ngoại đã bán ròng 45,5 triệu USD và chỉ số Vn-Index cũng giảm từ mức đóng cửa 997.39 cuối ngày 1/8/2019 xuống 974.34 điểm vào phiên giao dịch cuối thứ Sáu tuần trước.
Nhận xét về xu thế trên, theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc này là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại đã dấy lên quan ngại của giới đầu tư về xu hướng phi toàn cầu hóa sắp diễn ra và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ còn chậm lại hơn nữa.
Với cấu trúc kinh tế và thị trường thiếu ổn định và không bền vững như trường hợp của các nước phát triển, thị trường mới nổi được cho là sẽ khó có thể chống chịu tốt trước các rủi ro có thể diễn ra trong thời gian tới. Do vậy, “dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường mới nổi và hướng tới những sản phẩm tài chính được coi là vịnh tránh bão như Yên Nhật”, BVSC nhận định trong kết luận của mình.