Gia tăng buôn lậu bằng đường sắt
Tập trung cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết | |
Buôn lậu trước mặt cơ quan chức năng |
“Nóng” vào cuối năm
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C47) thuộc Bộ Công an, đã bất ngờ kiểm tra lô hàng trên tàu SE19 từ ga Hà Nội về ga Đà Nẵng. Tại hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện có 71 bao hàng khối lượng hơn 10 tấn gồm quần áo, giày dép, linh kiện điện tử được đóng trong các bao tải nhưng không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Một vụ vận chuyển gỗ lậu bằng đường sắt |
Trước đó, trên tàu SE19 hành trình từ Hà Nội vào ga Đà Nẵng, cũng bị cơ quan chức năng phát hiện có chở hàng lậu. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 45 kiện hàng hóa không có nguồn gốc được chở trên toa hành lý mang số hiệu số 232047.
Tiến hành kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện lô hàng có trọng lượng khoảng 7 tấn bao gồm nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Sau khi kiểm đếm, toàn bộ số hàng đã được bàn giao lại cho quản lý thị trường TP. Đà Nẵng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, tại ga Đà Nẵng Tổng cục Hải quan và Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng đã phối hợp bắt giữ 40 tấn hàng lậu trong 2 toa hàng của đoàn tàu SE19 đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng.
Gần 200 kiện hàng với khoảng 40 tấn hàng nhập lậu gồm quần áo, vải vóc và giày dép đã bị thu giữ, ước tính giá trị lô hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là số hàng nhập lậu lớn mà cơ quan chức năng bắt được tại Đà Nẵng trong năm nay.
Thông thường, những mặt hàng như quần áo, giày dép, linh kiện điện tử… được các đối tượng buôn lậu vận chuyển bằng đường sắt từ Bắc vào Nam, ở chiều ngược lại gỗ đang là mặt hàng “chủ lực” được các đối tượng lợi dụng đường sắt để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Công an TP. Đà Nẵng từng khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Văn Giới, trú Gia Lai do có hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng.
Cũng tại ga Đà Nẵng, khi kiểm tra một toa tàu chạy hướng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội, cơ quan công an phối hợp với lực lượng kiểm lâm phát hiện toa xe có chứa một lượng lớn gỗ lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng Đinh Văn Giới đã cung cấp một bộ hồ sơ lâm sản liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đây là hồ sơ giả để hợp thức hoá việc vận chuyển gỗ lậu.
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, chủ số hàng gỗ lậu đã phải thừa nhận mua bộ hồ sơ giả này để hợp thức hoá việc vận chuyển gỗ lậu. Sau đó, thuê một DN có trụ sở tại Quảng Ngãi, ký hợp đồng vận chuyển với ngành đường sắt để vận chuyển số gỗ này ra phía Bắc tiêu thụ.
Hàng lậu vẫn dễ… lên tàu
Có thể nói, tình trạng buôn lậu qua đường sắt đang gia tăng ở miền Trung, trong đó có nhiều chuyến hàng lậu đã bị “ách” lại tại ga Đà Nẵng. Điều đáng nói là việc đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế, qua nhiều vụ vận chuyển hàng lậu bằng đường sắt bị phát hiện, mới lộ rõ những kẽ hở, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa cơ quan chức năng.
Đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng từng đánh giá, tình hình buôn lậu, vận chuyển gỗ bằng đường sắt diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua. Để đối phó, nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng bộ hồ sơ quay vòng, thậm chí sử dụng hồ sơ kiểm lâm giả để qua mặt cơ quan chức năng. Trong khi, không hề dễ để kiểm soát việc này. Nếu chủ hàng cố tình dùng các bộ hồ sơ giả để cung cấp cho nhà ga, sau đó tráo đổi các loại gỗ thì cũng rất khó phát hiện.
Hoặc có trường hợp, nếu vận chuyển với số lượng lớn, các đối tượng cũng rất dễ chen lận hàng không có giấy tờ, vào số hàng có giấy tờ hợp lệ. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác khiến việc ngăn chặn vận chuyển hàng lậu bằng đường sắt gặp khó, còn do cơ quan chức năng khó “cắt” toa, khi nghi vấn tàu vận chuyển hàng lậu.
Chỉ khi cơ quan chức năng nghi vấn là hàng quốc cấm, có nguy cơ xâm hại đến an ninh quốc gia thì mới dừng toa đột xuất để kiểm tra. Còn nghi ngờ hàng lậu, thông thường phải đợi đến ga cuối, vì toa hàng đã niêm phong, kẹp chì, chủ hàng không thể nào thay đổi giữa chừng…
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn, đặt ra những nghi ngờ khi chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn hàng lậu được vận chuyển trên những chuyến tàu. Nhiều người cho rằng, với một số lượng hàng lậu lớn, mà vẫn “lọt” qua các khâu kiểm tra tại các ga xuất phát và trên cả hành trình, thì có hay không sự tiếp tay của những người có liên quan?