Gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV
Chiếm 97% tổng số lượng các DN tại Việt Nam, sử dụng tới 51% lao động xã hội, các DNNVV đang đóng góp 45% GDP và 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây cũng là phân khúc khách hàng trọng điểm phục vụ của VietinBank, Phó tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh cho biết.
VietinBank xây dựng giải pháp tự động cho vay thấu chi đối với các DNNVV tham gia vào các chuỗi cung ứng - chuỗi phân phối của các DN lớn |
Chiến lược mở rộng cho vay DNNVV và những bước đi hiện thực hóa đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng mảng khách hàng này của VietinBank đã tăng từ 15 lên 25% tổng dư nợ trong vòng 5 năm qua.
Tại hội thảo Giải pháp tín dụng cho DNNVV do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi tháng 10/2017 tại Hà Nội, các diễn giả đã đề cập về khó khăn trong cho vay như về tài sản đảm bảo, tốc độ xử lý hồ sơ còn chậm, hay DN thiếu thông tin có độ tin cậy cao tạo sự thuận lợi cho NH trong việc thẩm định hồ sơ dự án... Thấu hiểu những điều đó, thời gian qua, VietinBank đã tập trung giải quyết 3 vấn đề này.
“Về tài sản đảm bảo, thì với NH hiện nay không phải là điều kiện kiên quyết. Quan trọng là phương án phải khả thi, đặc biệt là quản lý dòng tiền. VietinBank đã điều chỉnh khẩu vị rủi ro phù hợp với đặc thù “thiếu tài sản” của nhóm khách hàng DNNVV”, ông Vinh cho biết.
Theo đó, VietinBank thẩm định và cấp tín dụng dựa nhiều trên dòng tiền từ phương án, dự án, nâng tỷ lệ cho vay không có bảo đảm của khách hàng DNNVV có tình hình tài chính lành mạnh. Đặc biệt, VietinBank tăng cường xây dựng giải pháp tự động cho vay thấu chi đối với các DNNVV tham gia vào các chuỗi cung ứng - chuỗi phân phối của các DN lớn, đầu ngành của nền kinh tế
Về quy trình, thủ tục vay vốn, VietinBank đã tinh giản mẫu biểu cho vay, hướng dẫn thẩm định khoản vay đối với khoản vay đầu tư tài sản cố định quy mô nhỏ, DN siêu nhỏ có khoản vay dưới 500 triệu đồng, KHDN vay mua ô tô… theo hướng ngắn gọn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, rút giảm thời gian tác nghiệp cho vay.
VietinBank cũng đưa ra cam kết chất lượng dịch vụ - SLA cụ thể với từng bộ phận khi xử lý hồ sơ tín dụng cho khách hàng, đảm bảo kiểm soát thời gian, chất lượng dịch vụ. VetinBank cho phép doanh nghiệp siêu vi mô đáp ứng điều kiện được duy trì hạn mức cho vay 2 năm liên tiếp tại Chi nhánh, rút giảm thời gian trình cấp có thẩm quyền trong trường hợp khoản vay vượt thẩm quyền Chi nhánh.
VietinBank cũng đã xây dựng sản phẩm đục lỗ rút ngắn quy trình thẩm định tín dụng với DN vi mô, siêu vi mô. “Các DN chỉ cần đáp ứng đủ các gạch đầu dòng trong bộ câu hỏi sinh trắc là NH có thể ra quyết định cung cấp tín dụng. Cùng với sản phẩm cho vay gắn với chuỗi liên kết, NH có thêm kiểm chứng thông tin, thêm những nền tảng để cung cấp cho công tác thẩm định”, ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, VietinBank đã xây dựng các sản phẩm cho vay đối với DNNVV có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển DNNVV. Tính chuyên biệt theo ngành nghề, địa bàn cũng được đưa vào sản phẩm như: Sản phẩm cho vay cây công nghiệp; Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp sạch, sản phẩm dành cho DN ngành du lịch, DN ngành dệt may; Chương trình cho vay DN công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh…
Đồng thời, VietinBank triển khai chương trình cho vay DN khởi nghiệp với quy mô 3.000 tỷ đồng, chương trình Kết nối Ngân hàng - DN, Chương trình cho vay linh hoạt lãi suất cố định hỗ trợ DN ổn định hơn về chi phí tài chính…
“Như vậy về cơ bản, tại một thời điểm thì DN sẽ rơi vào một gói ưu đãi nào đó, quan trọng là có tận dụng được gói ưu đãi đó hay không thôi. Chưa kể trên thực tế, có DN được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất tiền gửi của DN. Như vậy tiếp cận tín dụng của DN hiện nay là rất thuận lợi”, ông nói.
Với định hướng chiến lược là triển khai bán hàng trên diện rộng, cải thiện khả năng tiếp cận của DNNVV đối với các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, ngay từ năm 2017 và trong năm 2018, VietinBank đang tiếp tục hoàn thiện việc vận hành chức năng Đăng ký vay vốn online tại website www.vietinbank.vn/smebanking; tập trung xây dựng sản phẩm dành cho chuỗi DNNVV là nhà cung ứng, nhà phân phối của các DN lớn, có uy tín trên cơ sở đánh giá dòng tiền, uy tín thanh toán, năng lực sản xuất kinh doanh.
Các bộ chỉ tiêu chấm điểm phù hợp với DNNVV đã và đang được VietinBank xây dựng hoàn thiện, trong đó có tiêu chí cụ thể về chỉ tiêu tài chính, năng lực kinh nghiệm để tăng sự minh bạch trong công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng. Đối với DN tư nhân thuộc phân khúc siêu nhỏ, VietinBank nghiên cứu dự án triển khai phương pháp thẩm định khách hàng mới dựa trên việc sử dụng bộ câu hỏi sinh trắc tâm lý, rút giảm thủ tục, hồ sơ vay vốn…
Cùng với đưa ra toàn cảnh những nỗ lực của VietinBank nhằm hướng đến đối tượng khách hàng này, ông Vinh cũng chỉ ra những nút thắt đang khiến dòng vốn vẫn chưa thể chảy hết tốc lực. Bởi, hạn chế lớn nhất của DNNVV khiến ngân hàng băn khoăn khi tiếp nhận và thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng nằm ở năng lực quản trị và năng lực tài chính. DNNVV thường quản trị đơn giản theo hướng công ty gia đình, do một người/một nhóm người làm chủ, năng lực quản trị khó theo kịp sự gia tăng quy mô kinh doanh.
Về năng lực tài chính, DNNVV cũng bị hạn chế về vốn và tài sản bảo đảm; thiếu sự quản lý tài chính chuyên nghiệp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn vốn, không tách bạch giữa tài chính của bản thân DN và chủ DN. Vì vậy, ông Vinh khuyến nghị, bản thân DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị và năng lực tài chính theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Từ đó, cải thiện các chỉ số tài chính, dòng tiền, nâng cao năng lực cạnh tranh, kéo dài tuổi thọ DN. Đối với mô hình công ty gia đình cần chú trọng đào tạo thế hệ kế cận để duy trì hoạt động ổn định lâu dài.
Đề xuất các DNNVV cũng cần chú trọng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia vào các chuỗi giá trị, từ đó phát triển quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, ông Vinh nhấn mạnh thêm lợi thế của DN khi tham gia chuỗi phân phối - cung ứng của các DN lớn với dòng tiền ổn định là được ngân hàng chú trọng xem xét cho vay, bởi khi đó ngân hàng có điều kiện để kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn.
Khi tài trợ chuỗi, ngân hàng cũng sẽ cung cấp cho khách hàng các khoản bao thanh toán; tài trợ khoản phải thu bảo đảm bằng dòng tiền luân chuyển… Đây là phương thức giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng cũng như áp lực về tài sản bảo đảm đối với khách hàng.
Một kiến nghị để khơi thông dòng vốn cho DNNVV chính là việc triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…
VietinBank cũng đề xuất các cơ quan quản lý thuế hỗ trợ DN cung cấp kịp thời số liệu, xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế cho ngân hàng để bổ sung thông tin cho công tác thẩm định khách hàng của TCTD. Bởi theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện DNNVV tuy chiếm 97% số lượng, nhưng chỉ đóng góp 8% tổng số thuế thu nhập DN. Do đó, đây là đối tượng cần được tăng cường các dịch vụ hỗ trợ, đơn giản hoá thủ tục kê khai và nộp thuế.
Đối với việc vận hành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, các cơ quan hoạch định chính sách có thể tham khảo triển khai thêm các kinh nghiệm thành công của một số nước trên thế giới như Thái Lan. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các bên tham gia là ngân hàng và quỹ, rút ngắn dần thời gian thẩm định cấp bảo lãnh vay vốn và xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá khách hàng.
Các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ DNNVV. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với NHTM để đảm bảo hỗ trợ cho các DNNVV thiếu điều kiện về tài sản bảo đảm vẫn được tiếp cận vốn vay ngân hàng.