Giảm lãi suất: Muốn nhưng không dễ
SHB giảm lãi suất vay ngắn hạn VND xuống tối đa 6%/năm | |
Ngân hàng TMCP Quân đội: Tập trung nguồn lực cho 5 lĩnh vực ưu tiên | |
Đà giảm lãi suất cho vay lan tỏa |
Giảm lãi vay liệu có trở thành xu hướng?
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP và định hướng của NHNN, giảm lãi suất cho vay tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng tâm trong năm 2018. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2018, các NHTM Nhà nước đã cụ thể hoá chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN khi giảm lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm được 11-14%/năm |
VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV đều đã công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển. Cùng với các NHTM Nhà nước, một số NHTMCP cũng đã rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay. Như VPBank giảm 0,5 - 1%/năm lãi suất cho DNNVV hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như ngành hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.
Mới đây, SHB cũng đã giảm 0,5%/năm lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn bằng VND đối với khách hàng thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên về mức tối đa 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn theo Quyết định 1425 của NHNN.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, hiện nay nhiều khách hàng gặp khó khăn về vốn dù có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ hợp lý. Do đó, quyết định giảm lãi suất cho vay của nhiều NH sẽ giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, giúp DN có thể đưa những phương án đang còn trên giấy thành cơ hội mở rộng thị phần, tăng lợi nhuận…
Như vậy việc giảm lãi suất cho vay không chỉ từ phía NHTM Nhà nước mà đã lan toả sang cả các NHTMCP. Cộng thêm mức lợi nhuận tương đối khả quan của hệ thống NH năm 2017 thì câu hỏi đặt ra là: Đây liệu có là dấu hiệu cho làn sóng giảm lãi suất trên diện rộng trong thời gian tới?
Tham vấn một số chuyên gia kinh tế, phần lớn đều nhận định việc các NHTM giảm lãi suất là điều đáng mừng. Song chưa thể nói trước được điều gì. Bởi theo chuyên gia, tính thanh khoản trên thị trường hiện tại khá tốt, tuy nhiên giảm lãi vay liệu có trở thành xu hướng chung hay không thì còn phải chờ. Vì từ nay cho tới Tết Nguyên đán, thanh khoản của NH bao giờ cũng sẽ rất căng do nhu cầu rút tiền của DN, cá nhân tăng.
“Những NH có thanh khoản dồi dào thì có thể giảm lãi suất cho vay được. Tuy nhiên, đối với một số NH, đặc biệt là NHTMCP nhỏ, eo hẹp về thanh khoản sẽ khó có thể cân đối để giảm lãi suất cho vay”, một chuyên gia cho hay.
Đơn cử như lãi suất huy động hiện nay rất khó giảm, đặc biệt với các NHTMCP có quy mô nhỏ. Vì với mạng lưới nhỏ, mà họ giảm lãi suất huy động thì rất dễ mất khách hàng. Mà lãi suất huy động không giảm, thì việc giảm lãi suất cho vay là rất khó. Ở thời điểm hiện nay, một chuyên gia cho rằng giảm lãi suất cho vay trước Tết Âm lịch không dễ. Nhưng sau Tết thì có thể, bởi “nếu những NH đầu tàu tiếp tục giảm lãi suất, tình hình thanh khoản trở lại ổn định, thì khả năng toàn ngành NH có thể giảm thêm phần nào lãi suất để thực hiện chủ trương của Chính phủ là có thể”.
Lãi suất cho vay cũng phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất chung, trong đó có lãi suất trái phiếu Chính phủ. Nếu lãi suất này không giảm thì NH cũng khó để giảm thêm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, chi phí NH còn phải dành nhiều cho dự phòng rủi ro và nợ xấu cũng là nguyên nhân cản trở lãi suất giảm.
Không thể chỉ chờ NHNN
Cũng ngay sau Hội nghị ngành Ngân hàng, NHNN đã chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) về mức 4,75%/năm sau gần 5 năm duy trì ở mức 5%/năm. Điều này tạo điều kiện cho các NHTM có cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, các chuyên gia vẫn thấy lãi suất OMO tại Việt Nam là lãi suất điều hành nhưng mức độ lan toả thực sự chưa thể so sánh với các quốc gia khác.
Lấy ví dụ tại Hoa Kỳ, vị chuyên gia này cho hay: Hội đồng thị trường mở của Mỹ họp 8 lần/năm, mỗi lần sẽ đưa ra một lãi suất mục tiêu. Lãi suất mục tiêu này sẽ tác động trước nhất lên thị trường liên NH.
Theo đó, mỗi ngày các NH phải có một lượng dự trữ bắt buộc với NH Dự trữ Liên bang Mỹ, nếu thiếu hụt phải vay các NH khác hoặc vay chính Fed để bù trừ. Lúc đó, NHTW sẽ áp dụng lãi suất mục tiêu cho những khoản các NH vay để bù trừ thiếu hụt về dự trữ bắt buộc. Các NH khác vay mượn nhau cũng dựa trên lãi suất của NHTW cộng với một biên độ rất nhỏ nữa. Tất cả lãi suất khác như cho vay mua ô tô, nhà, cho DN vay… cũng đều xoay quanh lãi suất mục tiêu.
Không chỉ ở Mỹ, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có cách điều hành lãi suất như vậy. “Trong khi chúng ta chưa xây dựng được cơ chế lãi suất xoay quanh lãi suất điều hành. Phải để lãi thị trường I thực sự gắn kết với thị trường II thì cơ hội cho giảm lãi vay mới tăng lên” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Nói như vậy để thấy, các NH không thể chỉ chờ tín hiệu từ phía NHTW. Mà trước nhất, bản thân các NH phải có những giải pháp của mình để có thể thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Trước hết là vấn đề cạnh tranh. Các NH phải tăng dịch vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, chất lượng dịch vụ để tìm cách thu hút khách hàng, để cạnh tranh không chỉ qua công cụ lãi suất.
CEO một NHTM chia sẻ: “NH chắc chắn phải tiết giảm chi phí. Chi phí ở đây bao gồm cả giảm chi phí dự phòng rủi ro, giảm chi phí marketing, cũng như các chi phí hoạt động khác”.
Đặc biệt, TCTD cần kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn. Bởi, khi đo lường được rủi ro tốt hơn thì sẽ tránh được nợ xấu, cũng như những tài sản xấu. “Chúng ta thường hay chỉ nói tới rủi ro tín dụng mà thường bỏ qua một trong những rủi ro là kinh doanh vốn của các NH. NH vay vốn của những NH khác để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, cho vay trở lại các NH khác, hay trái phiếu của các DN… chưa được quan tâm đủ. Nên ngoài hoạt động tín dụng, cần quản lý cả rủi ro về tác nghiệp của các NH. Vì quản lý tốt rủi ro đó cũng sẽ khiến chi phí của NH giảm đi tương đối nhiều”, ông này khuyến nghị.