Giảm ô nhiễm môi trường: Dệt may hướng tới kinh tế tuần hoàn
Ngành dệt may chưa xáo trộn nhiều vì CMCN 4.0 | |
Sáng kiến giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam mở rộng cửa | |
Ngành Dệt may Việt Nam: Từng bước chủ động nguồn nguyên liệu |
Là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, ngành dệt may Việt Nam đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Song ngành công nghiệp này cũng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Ngành công nghiệp thời trang được cho là có mức sử dụng và gây ô nhiễm nước ngọt cao nhất, cùng mức độ phát thải khí nhà kính cao, sử dụng nhiều hóa chất độc hại...
Cụ thể, phải mất khoảng 2.700 lít nước để làm một chiếc áo phông cotton và 17-20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may. Hay nhiều vật liệu được sử dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm dệt may như kim loại nặng, chất chống cháy, amoniac, phthalates và formaldehyde… là những hóa chất độc hại, xâm nhập vào các loại vải chúng ta sử dụng mỗi ngày, đe dọa không chỉ sự tồn tại của môi trường mà còn của cả con người.
Ngành dệt may bị cho là gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường |
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện tại, tổng số DN dệt may cả nước đạt xấp xỉ con số 7.000. Trong đó có 5.101 DN gia công hàng may mặc (chiếm tỷ lệ 85%); 780 DN sản xuất vải, nhuộm hoàn tất (chiếm tỷ lệ 13%); 119 DN sản xuất bông, xơ, sợi (chiếm 2%). Riêng lĩnh vực nhuộm, in hoa và hoàn tất có 177 DN, chỉ một số DN được chuyển đổi dây chuyền hoàn tất bằng thiết bị châu Âu có trình độ tiên tiến, còn hầu hết là dây chuyền cũ hoặc có trình độ trung bình. Trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm của Việt Nam nói chung là yếu hơn so với các nước trong khu vực, và công nghệ cũng như năng suất lạc hậu từ 15-20 năm (số DN sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15-20%; công nghệ trung bình tới 70%, công nghệ thấp cũng 10 - 15%)…
Người ta tính rằng, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các DN dệt nhuộm khoảng từ 500 - 2.000kg/tấn sản phẩm, bao gồm cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Điều đáng bàn là, đa số DN trong ngành này có quy mô vừa và nhỏ nên rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất, bà Phan Quỳnh Chi, Phó Tổng thư ký VITAS cho biết.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các địa phương đã hoạch định và triển khai nhiều chính sách về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm như: xác định các khu vực được phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm, yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải, xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường... Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn này, nhà máy xử lý nước thải phải hiện đại, có công suất đủ lớn và cho đến giờ, nguy cơ về sự cố môi trường do dệt, nhuộm gây ra vẫn là nỗi lo thường trực với mỗi người dân và luôn làm đau đầu các nhà quản lý.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, quan điểm của Chính phủ trong phát triển ngành dệt may là phải tuân thủ định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, hướng ngành dệt may theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, bên cạnh việc tăng cường thể chế, cơ chế bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho bảo vệ môi trường và phát triển.
Theo xu hướng này, hiện đã có nhiều DN dệt may sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo cho mục đích xanh, sạch. Thậm chí, trong lĩnh vực dệt nhuộm, nhiều DN không cần đến nước mà sử dụng hơi để sản xuất qua đó bảo vệ môi trường tốt hơn, đại diện VITAS lưu ý.
Nhằm đồng hành cùng ngành dệt may Việt Nam, trong 3 năm qua, thông qua chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam (VIP), IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã và đang hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày số tiền 37 triệu USD cho các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp trung bình tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Ngoài ra, các nhà máy này đã tiết kiệm được tổng cộng 4 triệu mét khối nước và giảm được 303 nghìn tấn phát thải khí nhà kính/năm. Qua đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các DN nội địa trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Hiện Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và coi đây là giải pháp hiệu quả để DN giảm áp lực về năng lượng và phát triển bền vững. Việc phát hành tài liệu “Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong DN dệt may tại Việt Nam” là một trong những bước tiến đầu tiên, nhằm hiện thực hóa chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, cuốn tài liệu cũng nhằm góp phần hướng dẫn xây dựng, tổ chức, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh, tránh làm phát sinh phụ phẩm, phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian.
Song, DN vẫn mong chờ có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may; Xây dựng được các chương trình hỗ trợ DN lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho DN cách xác định hóa chất nguy hiểm cũng như đánh giá đúng mức độ độc hại; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn.