Giảm thời gian tiếp cận điện năng: Bước đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh
Nộp thuế điện tử: Động lực cải thiện môi trường kinh doanh | |
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng | |
Đẩy nhịp cải thiện môi trường kinh doanh |
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT theo hướng rút ngắn dần thời gian tiếp cận điện năng cho DN và người tiêu dùng. Việc giảm thủ tục và rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng được coi là bước đột phá trong việc nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhìn lại thời gian qua, chỉ số tiếp cận điện năng đã có sự cải thiện đáng kể, từ thời gian thực hiện các bước thuộc trách nhiệm của đơn vị điện lực giảm từ 55 ngày xuống còn 18 ngày vào năm 2014 và giảm xuống còn 10 ngày vào năm 2015. Những nỗ lực này đã đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2016 là 108, được tăng 22 bậc (là một trong những nước có bước tăng cao nhất trong 10 chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia), theo đánh giá của WB trong báo cáo Doing Business 2015.
Vị trí này tiếp tục được củng cố trong Báo cáo Doing Business 2017 công bố vào tháng 10/2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng thứ 96, đã tiếp tục tăng được 5 bậc so với 2015.
Ảnh minh họa |
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng (thay thế Thông tư 33/2014/TT-BCT) theo hướng tiếp tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng cho các DN và khách hàng sử dụng điện có nhu cầu đấu nối với lưới điện ở cấp điện áp trung áp.
Thông tư 24 được coi là “cải cách” khi loại bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch đối với tất cả các quy mô công trình và giúp cho thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng giảm được 3 ngày đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và tổng thời gian thực hiện các bước đối với cơ quan quản lý Nhà nước tối đa là 15 ngày (đối với một số địa phương có thể gộp các bước thì thời gian thực hiện ngắn hơn), các đơn vị điện lực là 10 ngày.
Điểm đáng chú ý trong Thông tư 24 là khách hàng, DN chỉ cần bổ sung, điều chỉnh trong hợp phần quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV đối với các công trình đấu nối có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở lên. Còn đối với các công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở xuống, đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận đấu nối với khách hàng và báo cáo cơ quan quản lý quy hoạch theo định kỳ 6 tháng và 1 năm để theo dõi và giám sát quản lý quy hoạch (chuyển thành hậu kiểm).
Theo quy định trước đây, các DN, khách hàng có nhu cầu xây dựng các trạm biến áp riêng đột xuất phải làm thủ tục bổ sung quy hoạch trình cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trước khi tiến hành thỏa thuận đấu nối với đơn vị phân phối điện.
Tuy rằng thời gian này không tính vào thời gian tiếp cận điện năng nhưng điều này giúp các khách hàng có trạm biến áp riêng có tổng dung lượng nhỏ hơn 2.000 kVA giảm được khá nhiều thời gian để làm hồ sơ và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Theo quy định mới, thời hạn cho đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận và ký thỏa thuận đấu nối là 4 ngày làm việc (bỏ bước thoả thuận thiết kế) và 6 ngày làm việc để thực hiện đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện. Như vậy, thời gian tiếp cận điện năng theo Thông tư 24, thời gian thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng chỉ còn tối đa là 25 ngày, giảm 3 ngày so với năm 2015 và 11 ngày so với năm 2014 tại Thông tư 33.