Gian nan chống vi phạm sở hữu trí tuệ
Vi phạm sở hữu trí tuệ: Đấu tranh mạnh, xử lý triệt để | |
Gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ |
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng) phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn (Đà Nẵng) đã tiến hành dừng phương tiện kiểm tra, kiểm soát đối với xe ô tô BKS 79C-000.07 do lái xe Vũ Đình Lam điều khiển.
Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện lô hàng gồm 1.049kg vải các loại, 227kg bạt nhựa, 50kg đế giày, 210 tai nghe nhạc, 40 súng bắn đinh nhựa, 20 hộp đựng xà phòng, 73kg ruột bút là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng giả, hàng thật |
Đó chỉ là một vụ việc đơn lẻ trong rất nhiều vi phạm sở hữu trí tuệ được cơ quan chức năng phát giác thời gian qua. Điều đáng nói là, tính chất và quy mô vi phạm được phát hiện và xử lý ngày càng lớn. Như hồi giữa năm ngoái, lực lượng Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã phá vụ buôn hàng lậu lớn tại số nhà 208 Tôn Đản (quận Cẩm Lệ), phát hiện và tạm giữ hàng ngàn sản phẩm dầu gội đầu, xịt khoáng, sữa tắm, tinh dầu, sản phẩm trang điểm... của các thương hiệu nổi tiếng như Channel, Ohui, Shiseido, Maybelline, Pond’s, Vaseline… và nhiều loại chưa dán nhãn.
Cơ quan chức năng sau đó đã quyết định xử phạt hành vi vi phạm về hàng hóa giả mạo, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh đối với đối tượng vi phạm, tịch thu 3.119 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại.
Nhưng dường như, vi phạm sở hữu trí tuệ không bao giờ ngừng diễn ra trong đời sống kinh tế hiện nay, bất chấp các cơ quan chức năng không ngừng việc kiểm tra, thanh tra giám sát việc sản xuất hàng hóa của DN, cũng như hàng nhập khẩu để đấu tranh với việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chỉ tính trong năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã trực tiếp kiểm tra, phát hiện, xử lý 77 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt tiền trên 300 triệu đồng; xử lý 120 vụ giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm lĩnh vực sở hữu công nghiệp, phạt tiền gần 730 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tiêu hủy nhiều hàng hóa, trong đó chủ yếu là áo quần, giày dép, đồng hồ, mắt kính... giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo tổng hợp đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, thủ đoạn sản xuất, tiêu thụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của các đối tượng ngày càng tinh vi. Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa. Tính chất vi phạm của hàng hóa giả mạo phổ biến nhất là tình trạng giả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm đăng ký độc quyền.
Những mặt hàng này có mẫu mã giống đến 90% với các sản phẩm uy tín trên thị trường khiến người mua dễ bị mắc lừa. Đối với hàng ngoại nhập, ngoài việc giả logo, nhãn mác, các đối tượng còn làm giả bao bì tương tự hàng chính hãng…
Hàng giả thường có chất lượng kém, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm mất uy tín của DN sản xuất chân chính. Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, DN phải dày công đầu tư, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Song các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả nhãn hiệu và vi phạm kiểu dáng công nghiệp của Nón Sơn đang tràn lan trên thị trường. Những sản phẩm giả này chất lượng kém nhưng có mẫu mã giống mũ bảo hiểm thật, giá lại rẻ hơn từ 2-10 lần. Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín, thậm chí là sự sống còn của DN.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không phải là việc làm đơn giản. Bản thân người tiêu dùng cũng rất khó trong việc phân biệt hàng giả và hàng thật, bởi nhìn bề ngoài không có sự khác biệt nhiều. Trong khi, người tiêu dùng lại thiếu thông tin về hàng chính hãng dẫn đến rất dễ mua nhầm các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm dù đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như chế tài đủ mạnh để răn đe, nhưng hạn chế ở chỗ thời gian xử lý kéo dài. Một hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ từ khi phát hiện đến khi có quyết định xử lý mất khá nhiều thời gian để xác minh, đối chiếu, gửi mẫu phân tích chất lượng... dẫn khó ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi vi phạm.
Còn theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ để cơ quan chức năng kiểm tra tại chỗ chất lượng hàng hóa, mẫu hàng thật đối chứng còn thiếu, khiến hiệu quả mang lại từ công tác này chưa cao. Đồng thời, sự chủ động, phối hợp thường xuyên từ phía DN, nhà sản xuất để cung cấp thông tin đối chiếu giữa hàng thật hàng giả với cơ quan chức năng vẫn còn khiêm tốn.
Vì thế, để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm của các đối tượng cần có sự vào cuộc, đồng hàng giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Sự phối hợp này chặt chẽ sẽ góp phần giảm thiểu được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.