Giày dép Việt lép vế tại sân nhà
Giày dép: Đón cơ hội từ sóng chuyển dịch | |
Brazil, tiềm năng cho giày dép Việt |
Ảnh minh họa |
Các hãng giày dép Việt Nam như Biti’s, Vina Giày…đang dần lép vế trước những thương hiệu Tomy, Nike, Adidas, Clarks, Dr.Martens, Converse.
Hiện nay ngành da giày Việt Nam có hơn 800 DN sản xuất, sản lượng đạt trên 1 triệu đôi. Về xuất khẩu giày dép, Việt Nam đứng thứ ba thế giới (năm 2015 chỉ đứng sau Trung Quốc, Ý).
Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, sản phẩm giày dép Việt Nam lại chịu thua hoàn toàn ở mọi phân khúc. Cụ thể, kênh phân phối chợ truyền thống, có đến trên 80% là giày dép Trung Quốc, 20% còn lại chia đều cho hàng Việt Nam, Thái Lan… Kênh shop thời trang là nơi tiêu thụ chính giày dép thời trang tại thị trường nội thì có đến 90% là hàng ngoại nhập từ bình dân đến cao cấp.
Hệ thống cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, Hàn Quốc thì xem như 100% bán giày dép của nước họ. Chỉ những siêu thị trong nước như Co.opmart, Vinatex, Sài Gòn, hay các cửa hàng đại lý của DN sản xuất là kinh doanh lượng ít giày dép của DN trong nước như Biti’s, Hồng Thạnh, Thái Bình.
Đó là chưa kể do sức mua yếu, ưu tiên lựa chọn của khách hàng thiên về hàng nhập (mẫu mã, màu sắc đẹp hơn hàng nội), nên nhiều đại lý của DN Việt cũng bán kèm thêm hàng nhập khẩu. Chính điều này đã khiến cho thị phần nội địa của giày dép Việt Nam ngày càng bị thu hẹp.
Trên thực tế, dù số lượng DN ngành da giày trên cả nước rất lớn, nhưng đa số là DNNVV, chú trọng vào sản xuất hay gia công hàng xuất khẩu. Có không quá 10% trong số đó là DN lớn, có thương hiệu, có đầu tư một phần cho thị trường nội địa.
Ngay cả người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận thấy điều này khi trong danh sách hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ có tên vài DN da giày từ năm này sang năm khác như Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), Công ty giày Thượng Đình, cơ sở giày Hồng Thạnh, DN tư nhân giày Á Châu – ASIA, CTCP Giày Việt (Vina Giày), Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s)…
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngay cả những thương hiệu giày dép Việt Nam có tiếng tăm kể trên vẫn chưa theo kịp xu hướng thời trang, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn là đối tượng chi tiêu cao vào giày dép quần áo. Chính vậy, mà nhiều đại lý của Biti’s hiện nay phải bán kèm hàng Trung Quốc.
Bởi hàng Trung Quốc có rất nhiều mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng thậm chí cả màu sắc cũng đa dạng hơn, giá rẻ hơn, nên mặc dù chất lượng kém vẫn bán được. Ngay như thương hiệu Vina Giày đình đám của Việt Nam cũng bị giới trẻ chê là “không thời thượng”. Từ màu sắc đến kiểu dáng, Vina Giày gần như chỉ dành cho giới nhân viên văn phòng và người lớn tuổi, giá bán lại không rẻ.
Tới đây, giày dép Việt còn phải đương đầu với làn sóng bán lẻ rộng mở cho các nước trong khối ASEAN. Ngay trước mắt là Thái Lan với những “ông chủ” lớn đang nắm trong tay nhiều đại siêu thị rộng khắp Việt Nam, sẽ đủ sức khiến người Việt đi giày Thái như đã từng đưa hàng Thái vào nhà Việt.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nhân lực ngành da giày của DN nội vẫn còn hạn chế (trang thiết bị cũ, ít có bộ phận thiết kế mẫu mã, chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu cao…); Khi sản phẩm đưa ra thị trường thì lại chịu áp lực hàng nhái, hàng giả...
Vậy là xem ra con đường để giày dép Việt Nam đến chân người tiêu dùng Việt ngày càng… xa!