Giong buồm ra biển lớn
Ngân hàng Việt vào mùa hợp tác quốc tế | |
Hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng đã sâu rộng và có hiệu quả | |
Cơ hội cho ngân hàng Việt |
Hội nhập, mở cửa là câu chuyện tất yếu. Sự va chạm, hay phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế thị trường chính là yếu tố để mỗi đất nước, mỗi nền kinh tế lớn nhỏ đi đến những cái nắm tay chặt hơn vì vấn đề chung của toàn cầu.
Với Việt Nam, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực ghi nhận nhiều điều “dám nghĩ, dám làm” trong bối cảnh hội nhập xuyên suốt 2015. Và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là nhân tố lớn góp phần đưa con tàu Việt Nam vươn khơi, hoà cùng sóng cả.
Tàu nhỏ lựa dòng
Trước hết, phải khẳng định rằng: Việc tham gia chủ động và tích cực của NHNN trong giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế phù hợp với đường lối chính trị, chủ trương đối ngoại trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác tài chính, tiền tệ. Đồng thời, thể hiện hình ảnh một Việt Nam sẵn sàng hội nhập, mở cửa mạnh mẽ trước xu thế hội nhập chung của cộng đồng tài chính quốc tế.
Với riêng NHNN, 2015 cũng là năm mà cả tiếng nói, vị thế của NHNN đã được nâng lên rất nhiều tại các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế; thông qua việc duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức như: IMF, WB, ADB... NHNN đã đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thường niên 2015 của IMF/WB tại Peru vào tháng 10/2015, Hội nghị thường niên ADB tại Azerbaijan vào tháng 5/2015...
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước đã ký với lãnh đạo WB các Hiệp định của 4 Dự án vay vốn ưu đãi của WB có tổng trị giá tương đương 507 triệu USD. Đây là lần đầu tiên Lễ ký Hiệp định giữa NHNN và WB được tổ chức tại Hoa Kỳ dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư và các lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Điều này thể hiện cam kết của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, hợp tác hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - WB lên tầm cao mới.
Quan hệ IMF - Việt Nam cũng tiếp tục được củng cố thông qua các hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tăng cường năng lực thống kê khu vực đối ngoại, quản lý dự trữ ngoại hối, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng.
NHNN cũng luôn quan tâm, chú trọng, tích cực đẩy mạnh hợp tác với các NHTW các nước; tăng cường hợp tác đa phương, tham gia tích cực vào các Khuôn khổ hội nhập và hợp tác ngân hàng WTO, APEC, ASEAN… giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Tính tới 12/2015, NHNN đã ký kết với WB 163 chương trình/dự án có trị giá gần 22 tỷ USD. Ký kết với ADB là 160 chương trình/dự án trị giá hơn 16,3 tỷ USD.
Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế của NHNN đã mở đường để các NHTM tiếp tục xúc tiến chương trình hợp tác với TCTD nước ngoài. Năm qua, hàng loạt chương trình/dự án hợp tác quốc tế đã được các NHTM triển khai và có nhiều hiệu quả tích cực.
Như việc BIDV khởi xướng và đồng tổ chức Diễn đàn Đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam - Đài Loan; hay như Agribank trở thành thành viên của Liên minh Eurogiro; VietinBank ký thoả thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Đầu tư quốc tế Liên bang Nga (IIB)...
Không chỉ những ngân hàng lớn, mà tại những ngân hàng với thị phần khiêm tốn hơn, việc liên kết, hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế cũng diễn ra khá sôi nổi. Chính sự nỗ lực, cạnh tranh lành mạnh đã khiến bức tranh hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thêm những mảng màu rực rỡ.
Để vượt sóng lớn
2016 - năm tiếp nối trong hành trình hội nhập của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng, không phải sẽ chỉ có “màu hồng”. Kinh tế thế giới của năm 2016 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực sẽ có nhiều bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ.
Do vậy, các nước và các tổ chức tài chính, tiền tệ khu vực và quốc tế phải tiếp tục có nhiều nỗ lực, cùng nhau hợp tác để tháo gỡ những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển toàn cầu. Công tác đối ngoại vì thế sẽ tiếp tục tăng lên về quy mô và có tính chất phức tạp hơn… Song, nói như một chuyên gia: Đã bước trên con tàu hội nhập, thì phải học cách để đứng vững và tiến lên.
Đối với NHNN điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tại IMF, WB, ADB, IIB... và các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế khác để tăng cường vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong môi trường toàn cầu hóa, hòa nhập là cần thiết nhưng không được hòa tan. Chính vì thế, cùng với việc xây dựng, củng cố vị thế, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động hợp tác truyền thông lâu nay với các nước ASEAN, ASEAN+3; tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như WTO, APEC, SEACEN...
Vì sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ duyệt ký Hiệp định song phương với Chính phủ Hoa Kỳ (IGA) về Đạo luật FATCA để triển khai thực hiện tại Việt Nam; chủ động tìm kiếm các đối tác mới, tham gia vào các thể chế thương mại, tài chính, tiền tệ khu vực để tăng cường vốn, phục vụ cho mục tiêu phát triển quốc gia.
NHNN cũng sẽ chú trọng duy trì, phát triển và tăng cường hợp tác song phương với các NHTW và các đối tác khu vực và quốc tế trên cơ sở kết hợp hài hoà các quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị, thương mại, đầu tư giữa các bên. Đặc biệt, đối với những tổ chức lớn như WB, ADB, IMF cũng cần có chiến lược “khai thác” sự hỗ trợ của họ tốt hơn nữa cho Việt Nam.
Được biết, đề án “Tăng cường tham gia vào các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế” đã được trình Chính phủ. Khi đề án này được phê duyệt, ngành Ngân hàng sẽ làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kế hoạch hành động. Những việc làm được, cả những việc chưa làm được, đều còn rất nhiều. Nhưng với trí tuệ, bản lĩnh và sự quyết đoán, chúng ta tin tưởng rằng “người thuyền trưởng” của hệ thống tài chính, tiền tệ có đủ tự tin để vững tay lái trên hải trình hội nhập.
Dự kiến năm 2016, NHNN sẽ đàm phán với WB và ký/hoàn thành điều kiện hiệu lực cho 9 chương trình/dự án với tổng số tiền là 2.032 triệu USD. Hoàn tất ký kết với ADB 4 chương trình/dự án đã đàm phán năm 2015; xây dựng và ký kết 9 chương trình/dự án thuộc danh mục đã thống nhất với ADB năm 2016. NHNN sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý, xây dựng các chính sách hoạt động của NH AIIB và thực hiện nghĩa vụ góp vốn đợt 1 để chính thức đưa AIIB vào hoạt động. |