Giữ ổn định VND trước sức ép USD
Điều hành chính sách tiền tệ: Kiên định với các mục tiêu | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Nền tảng vững chắc tạo sức bật mới |
Tỷ giá là biến số kinh tế chịu tác động bởi rất nhiều các yếu tố, như lãi suất trong nước và quốc tế, lạm phát, yếu tố kỳ vọng, cung - cầu ngoại tệ… Trong đó, yếu tố tác động có tính chất trung và dài hạn đến biến động tỷ giá là cung - cầu ngoại tệ. Song những cú sốc về tỷ giá đến từ bên ngoài có thể là ngòi nổ gây biến động lớn và kéo dài, nếu nó bị cộng hưởng bởi yếu tố kỳ vọng của thị trường.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã trải qua sự biến động kiểu này trong năm 2008, qua đó, NHNN đã có những kinh nghiệm quý báu cho việc điều hành tỷ giá và lãi suất hiện nay.
Ảnh minh họa |
Nhìn vào diễn biến thị trường tiền tệ Việt Nam gần đây cho thấy, một điều không thể phủ nhận là thị trường tiền tệ đã có bước phát triển đáng ghi nhận theo hướng hội nhập, có sự liên thông tương đối chặt chẽ với thị trường tiền tệ quốc tế. Chính vì vậy những biến động trên thị trường tài chính quốc tế gần đây ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến diễn biến thị trường tiền tệ trong nước.
Đặc biệt khi đồng USD lên giá, chắc chắn sẽ có tác động đến sự giảm giá của VND, nếu các nhân tố khác không thay đổi. Song giảm giá ở mức độ nào và trong ngắn hạn hay dài hạn lại là vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng để tạo kỳ vọng đúng, có giải pháp chính sách phù hợp, tránh những bất ổn thị trường bởi những áp lực bên ngoài.
Cuối năm ngoái (14/12/2016) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng 0,25% điểm lãi suất lên mức 0,75% và đồng USD đã lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế trong tháng 1/2017. Điều này được thể hiện qua Chỉ số đồng đô-la Mỹ (DXY) biến động lên, xuống hàng ngày, nhưng xu hướng có thể thấy từ tháng 2/2017 đến nay, USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt, chỉ số DXY từ mức 103,82 điểm (13/1/2017), lùi xuống 100,72 điểm (13/2). Đặc biệt trước 3 ngày Fed nâng lãi suất từ 0,75% lên mức 1% (16/3) vừa qua, chỉ số DXY ở mức 101,36 điểm.
Qua đó có thể thấy chính sách lãi suất của Fed tác động đến giá của đồng USD và giá của đồng tiền các quốc gia khác có tính ngắn hạn, bởi các nước đều có những chính sách điều chỉnh để giữ giá đồng tiền của mình. Thêm vào đó, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017 cũng đã được thị trường dự báo, là cơ sở để các quốc gia điều chỉnh chính sách tỷ giá cho phù hợp.
Nhận định này có thể được minh chứng bằng diễn biến chỉ số DXY trong 3 ngày trước khi Fed tăng lãi suất vừa qua, mặc dù thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất và số liệu công ăn việc làm của kinh tế Mỹ đã tăng so với dự báo.
Thực tế, biến động tỷ giá của VND với USD từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm nhẹ so với cuối năm 2016. Tính đến cuối tháng 2/2017 thống kê tỷ giá VND với USD giảm 0,07% so với cuối năm 2016, mặc dù trong tháng 2/2017 cán cân thương mại của Việt Nam nhập siêu 1,2 tỷ USD, tính chung 2 tháng nhập siêu 46 triệu USD.
Trong những ngày đầu tháng 3, tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định so với tháng 2. Điều này cho thấy chính sách điều chỉnh tỷ giá của NHNN trước những tác động của yếu tố trong nước và quốc tế có hiệu quả. Thêm vào đó, hiệu ứng của thị trường rất nhanh nhạy với động thái chính sách của NHNN. Những yếu tố Fed tăng lãi suất và đồng USD lên giá có áp lực lên tỷ giá VND song mục tiêu tỷ giá ổn định vẫn được NHNN giữ vững.