Giữ thị trường xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu
DN xuất khẩu cá ngừ trong nước nên tiếp cận và hợp tác tốt với ngư dân để đảm bảo một nguồn cung ổn định |
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu (EU) trong năm qua của Nhà máy Thực phẩm đóng hộp KTC (KTC Food) thuộc Công ty TNHH MTV Kiên Giang đạt hơn 6 triệu USD.
Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu của KTC Food nói riêng và nhiều DN xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam nói chung có sự biến động mạnh do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ, giá cả, nguồn nguyên liệu...
Nhất là việc vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Philippines bởi được EU miễn thuế cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Điều này đã góp phần đưa các sản phẩm cá ngừ của Philippines nâng cao năng lực cạnh tranh sau khi được hưởng thuế suất thấp (trước đó, cá ngừ Phillippine phải chịu mức thuế 20,5%). Vì vậy, dự kiến thời gian tới, các DN xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ nhà cung ứng này.
Hiện, phần lớn cá ngừ của DN Việt xuất sang thị trường một số nước châu Âu chính như Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Anh, Hà Lan, Bỉ và Đức... Mức tiêu thụ cá ngừ bình quân theo đầu người tại EU gần 3 kg/người, chủ yếu tiêu thụ cá ngừ ở dạng đóng hộp, sau đó mới đến các sản phẩm cá ngừ đông lạnh khác. Loại cá ngừ được người tiêu dùng các nước EU yêu thích chính là cá ngừ vây vàng và cá ngừ albacore.
Vì vậy, để có thể giữ và phát triển thị trường cá ngừ đông lạnh đầy hứa hẹn tại châu Âu thì DN trong nước cần làm tốt các vấn đề có liên quan đến phát triển nghề khai thác cá ngừ bền vững và không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Theo Bộ NN&PTNT, trong những tháng đầu năm nay, do thời tiết thuận lợi, lại đang chính vụ cá Bắc nên các tàu tích cực ra khơi bám biển giúp cho sản lượng khai thác tăng.
Cụ thể, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trong tháng 1/2016 vừa qua tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1.445 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, Phú Yên là 640 tấn tăng 16,4%, Bình Định 500 tấn, tăng 1,2%, Khánh Hòa 305 tấn, tăng 9% so với năm trước.
Đặc biệt, nhiều tàu thuyền của ngư dân ở các tỉnh thành này được đóng mới, đầu tư trang thiết bị, với công suất lên đến 500kg/giờ, đảm bảo cá khai thác đạt chất lượng, có giá trị kinh tế cao khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, trái ngược với sự phấn khởi trong nước, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU vẫn rất ảm đạm trong những tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 1/2016 chỉ đạt gần 7,8 triệu USD, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Đối với Đức, Italia và Hà Lan hiện đang là 3 thị trường dẫn đầu trong khối nhưng riêng với kim ngạch xuất khẩu sang Đức cũng đã giảm gần 33%...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong một thời gian dài, nguồn cung cá ngừ ngày càng khan hiếm chính là yếu tố quan trọng để các nhà cung cấp cá ngừ cạnh tranh với nhau. Vì chỉ có ít sản phẩm có thể thay thế cá ngừ đông lạnh và nhu cầu sản phẩm cá ngừ đông lạnh vẫn mạnh, nên mức độ cạnh tranh trong thị trường dự kiến sẽ lớn hơn. Vì vậy vai trò của người khai thác cá ngừ sẽ càng quan trọng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, các quy định và luật của EU tương đối phức tạp đối với việc nhập khẩu các loài cá khai thác có nguồn gốc thiên nhiên, liên quan đến an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đóng gói. Vì vậy, những công ty có thể thâm nhập thị trường khó tính này thường có tàu đánh cá riêng hoặc có mối quan hệ rất chặt chẽ với ngư dân.
Hơn nữa, hiện đang có nhiều nhà cung cấp cá ngừ ở các nước đang phát triển và ưu thế cạnh tranh có thể nghiêng về các nước xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo chế độ thuế nhập khẩu của EU, nghĩa là họ có thể cung cấp với giá thấp hơn so với các nhà cung cấp khác.
Trong tương lai, khi nguồn cung cá ngừ ngày càng khan hiếm, thì cạnh tranh giữa các công ty xuất khẩu dự kiến sẽ tăng. Đối với phân khúc sản phẩm cá ngừ bền vững, mức độ cạnh tranh rõ rệt hơn vì nguồn cung còn hạn chế.
Vì vậy, vị chuyên gia này cũng đưa ra cảnh báo, trước mắt cũng như lâu dài yêu cầu để được xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu sẽ vẫn giữ nguyên, thậm chí có thể khắt khe hơn. Nên DN xuất khẩu cá ngừ trong nước nên tiếp cận và hợp tác tốt với ngư dân để đảm bảo một nguồn cung ổn định.
Đồng thời, DN nên chọn nguồn khai thác sử dụng phương pháp hiện đại, có trách nhiệm, để tận dụng được vị thế của nhà cung cấp đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài và tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu.