Gỡ nút thắt cho AMC
Xử lý nợ xấu: Cần nguồn lực rất lớn về vốn | |
Xử lý tài sản bảo đảm: Vẫn còn vướng mắc | |
AMC được sử dụng vốn để mua các khoản nợ của các TCTD khác |
Quy định bó hẹp
Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV hôm 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, nợ xấu toàn hệ thống TCTD đã giảm rất mạnh từ mức 10,08% vào cuối 2016 xuống còn 6,7% (nợ xấu này bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và các khoản nợ xấu tiềm tàng - PV) và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán hiện chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay.
Có được kết quả trên là nhờ nỗ lực toàn hệ thống TCTD, VAMC và cả các AMC của các TCTD. Thời gian qua, nhiều AMC đã có đóng góp tích cực quan trọng trong hoạt động xử lý nợ xấu (XLNX) của hệ thống NHTM như nhận ủy thác thực hiện thu hồi các khoản nợ xấu của ngân hàng mẹ; xử lý nợ, quản lý tài sản thế chấp… góp phần giảm tỷ lệ xấu của các NHTM xuống dưới 3%.
Đại diện ABBank AMC (ABBA) cho biết, công ty đã thực hiện giao dịch mua bán và xử lý một số khoản nợ xấu với các TCTD, AMC và công ty tài chính khác nhau. Ngoài ra, ABBA đã xử lý nợ cho ngân hàng mẹ qua hình thức mua tài sản bảo đảm (TSBĐ) nợ vay như nhà xưởng, máy móc thiết bị, bất động sản và nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn. Sau đó, công ty tiến hành các biện pháp để sửa chữa, nâng cấp tài sản, tìm kiếm các khách hàng để chuyển nhượng hoặc khai thác cho thuê, nhằm thu hồi tiền đầu tư và mang lại lợi nhuận…
Các AMC đều trực thuộc NHTM và hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV |
Tuy có những đóng góp tích cực đối với hoạt động XLNX, nhưng theo lãnh đạo các AMC kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng cũng như tiềm năng của các công ty này do gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến thời điểm này, theo lãnh đạo ACB AMC vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về cơ chế hoạt động cho AMC theo Luật DN hay Luật Các TCTD.
Từ khi được cho phép thành lập (năm 2001) đến nay, ngoài ba văn bản pháp luật là Quyết định 150/2001/QĐ-TTg về thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản NHTM, Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN về ban hành điều lệ mẫu công ty quản lý nợ và khai thác tài sản NHTM và Thông tư số 27/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính cho các công ty AMC, còn lại có rất ít các văn bản khác liên quan đến hoạt động của các AMC.
Mặc dù cũng tham gia XLNX, nhưng hành lang pháp lý thường chỉ đề cập chính sách đối với TCTD mà không đề cập đến AMC. Hành lang pháp lý hoạt động yếu khiến các AMC của NHTM phải tự xoay xở và tìm hiểu thêm để làm sao trong quá trình hoạt động của mình vừa hoàn thành được nhiệm vụ của ngân hàng giao vừa phải phù hợp với quy định của pháp luật.
“Các quy định đối với AMC hơn 10 năm qua không được sửa đổi, bổ sung dù nhiều nội dung không còn phù hợp. Vì lẽ đó khiến AMC không giúp được gì nhiều cho ngân hàng, trong khi ở nước ngoài, các AMC được coi là “cánh tay phải” của TCTD”, lãnh đạo một AMC tỏ ra trăn trở.
Một lý do nữa khiến cho mô hình các AMC chưa hiệu quả đó là hoạt động của họ đang bị bó hẹp. Các AMC đều trực thuộc NHTM và hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV. Về mặt pháp luật, đây là hai pháp nhân độc lập, nhưng về mặt nghiệp vụ có thể coi đây là một bộ phận của ngân hàng nên hoạt động của AMC chỉ mang tính chất nội bộ. Hiện nay, tuy các AMC tiếp nhận và xử lý các khoản nợ của ngân hàng mẹ, nhưng việc quản lý, xử lý các khoản nợ đó là do ngân hàng mẹ uỷ quyền. Theo đó, AMC phải thực hiện theo đúng quy định tại Hợp đồng uỷ quyền của ngân hàng mẹ cho AMC và quy định của pháp luật chứ không được tự ý xử lý.
Các quy định đối với AMC hơn 10 năm qua không được sửa đổi, bổ sung dù nhiều nội dung không còn phù hợp. |
Mua bán, xử lý nợ đều gặp rào cản
Thêm một khó khăn nữa khiến các AMC thận trọng trong mua nợ được lãnh đạo ABBA chia sẻ: Sau khi mua nợ về để chờ xử lý, tìm kiếm lợi nhuận, toàn bộ số nợ quá hạn được hạch toán vào khoản phải thu trong bảng cân đối kế toán của AMC. Do đó, nếu việc xử lý thu hồi nợ gặp khó khăn hoặc bị trì hoãn, các công ty AMC sẽ phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro và làm sụt giảm lợi nhuận chung của cả công ty và lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ. Vì vậy, trên thực tế, rất khó để đơn vị có cơ sở thuyết phục các cấp có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư mua nợ.
“Quy định nợ xấu AMC mua được sẽ tổng hợp vào nợ xấu của ngân hàng mẹ làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Đây là rào cản để các AMC cân nhắc mua bán nợ”, vị này bổ sung thêm.
Khẳng định Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời tạo một làn gió mới thúc đẩy xử lý nợ TCTD nói chung, AMC nói riêng trong việc thu giữ TSBĐ, nhưng cũng như ngân hàng mẹ, các AMC đều gặp trở ngại không nhỏ khi thực hiện thu giữ TSBĐ.
Theo lãnh đạo AMC VPBank, công ty này áp dụng nhiều quy định liên quan đến thu giữ tài sản, cũng như một số AMC khác, việc thu giữ chủ yếu tập trung động sản như ô tô, phương tiện vận tải, các chủ tài sản bỏ trốn hoặc là không có người ở công ty mới thực hiện việc tổ chức thu giữ tiếp quản tài sản rồi chuyển sang đấu giá. Còn đối với TSBĐ khác, hoạt động thu giữ của VPBank AMC chủ yếu là gây sức ép đủ lớn để khách hàng có phương án xử lý nợ chứ việc cưỡng chế thu giữ rất khó.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo ABBank cho hay, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp kịp thời để phong tỏa TSBĐ trước khi tòa xét xử thường không suôn sẻ một mặt do bên nợ không hợp tác hoặc do tòa án không phải lúc nào cũng hỗ trợ. Với tình trạng xử lý TSBĐ như hiện nay sẽ dẫn tới tỷ lệ thu hồi được nợ rất thấp hoặc khi thu hồi được thì giá trị tài sản sẽ giảm rất nhiều. Đặc biệt những tài sản là máy móc, thiết bị, vật tư hàng hóa có hạn sử dụng nhất định. Hiện hầu hết nguồn vốn pháp định của các AMC còn hạn chế lại phân tán vào nhiều việc khác nhau. Các ngân hàng lại không cấp tín dụng cho AMC để mua nợ xấu nên các AMC có muốn mua nợ cũng gặp khó khăn về nguồn tiền thanh toán.
Để các AMC có thể đóng góp tích cực trong hoạt động XLNX, theo vị lãnh đạo này cần tháo gỡ những nút thắt về chính sách và cơ chế. Cụ thể, hoàn thiện các văn bản pháp lý về hoạt động của các công ty AMC và thị trường mua bán nợ, về hạch toán kế toán và thuế liên quan đến hoạt động mua bán nợ, bổ sung nguồn lực cho AMC…
Riêng đối với nguồn lực cho AMC, các AMC cùng phối hợp với nhau hoặc hợp danh để xử lý các món nợ có giá trị mà tổ chức riêng lẻ không có đủ khả năng tài chính và các nguồn lực khác để thực hiện. Ngoài ra, nếu phương án xử lý nợ của AMC được xây dựng tốt và có tính khả thi cao thì các NHTM không phải là ngân hàng mẹ của AMC cũng có thể xem xét cơ chế cấp tín dụng để các AMC có nguồn vốn để thực hiện phương án XLNX.
Tổng giám đốc AMC Agribank Mai Thanh Hưng Sớm thành lập Hiệp hội Xử lý nợ Hoạt động của AMC Agribank hiện nay dừng lại dịch vụ xử lý nợ cho ngân hàng mẹ, xử lý TSBĐ cũng như cho thuê TSBĐ. Trên thực tế việc cho thuê những TSBĐ do thu giữ về hoặc khách hàng bàn giao sang rất vướng. Đơn cử, để xuất hóa đơn khi cho thuê tài sản không phải của mình là rất khó. Chúng tôi phải làm văn bản kiến nghị cả Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để có văn bản hướng dẫn khi thực hiện nghiệp vụ này đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đối với AMC của ngân hàng quốc doanh còn vướng quy định chi phí môi giới. Theo Thông tư 27 chi phí môi giới của AMC chỉ tối đa 50 triệu đồng. Bất kể khoản môi giới nào lớn hơn mức này đều là trái luật. Có thể thấy Thông tư 27 được ban hành 16 năm đã rất cũ, quy định không phù hợp với thực tế nhưng đến nay các quy định này vẫn có hiệu lực. Bất cập nữa, khi AMC hoạt động theo Luật DN mới, thực hiện kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực luật không cấm. Nhưng ở đây muốn xử lý nợ của ngân hàng mẹ thì AMC không được mua nợ của ngân hàng mẹ thì làm sao xử lý nợ được. Chúng tôi đành phải thực hiện mua TSBĐ của các khoản nợ của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên đối chiếu lại với Quyết định 1390 của NHNN về ban hành điều lệ mẫu đề cập không rõ là AMC có được phép thực hiện như vậy không. Để hỗ trợ các AMC hoạt động hiệu quả hơn, tôi cho rằng, cần thúc đẩy thị trường mua bán nợ trong đó VAMC với nhiệm vụ lớn được Chính phủ giao phó sẽ là đơn vị dẫn dắt thị trường. Ngoài ra, việc thành lập Hiệp hội Xử lý nợ của các TCTD trong đó có sự tham gia của các AMC theo tôi, cũng là cần thiết. Qua hiệp hội, các AMC, các bộ phận xử lý nợ các TCTD có cơ hội để trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay XLNX hiệu quả. Thời gian tới, VAMC xem xét, nghiên cứu trình Thống đốc, cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan xây dựng điều lệ để hiệp hội sớm đi vào hoạt động. Phó Giám đốc PVCombank AMC Kiều Phương Khoan Tăng cường liên kết giữa VAMC và các AMC Hạ tầng pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công hay thất bại của một AMC. Nếu không có một hệ thống văn bản pháp lý làm cơ sở thì bản thân AMC cũng sẽ đối diện với những khó khăn mà các ngân hàng gặp phải khi tiến hành thu hồi nợ xấu. Giải pháp nữa cần được chú trọng trong thời gian tới là phải liên kết giữa VAMC và các AMC trong việc hình thành thị trường mua bán nợ. Để phát triển thị trường mua bán nợ, theo tôi phải nâng cao năng lực của các công ty mua bán nợ trong nước. Trong đó chú trọng thúc đẩy phạm vi hoạt động của các AMC, khuyến khích các AMC tham gia mua bán các khoản nợ của ngân hàng khác để giảm bớt gánh nặng cho VAMC. Phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp với sự tham gia của các NĐT trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh tốc độ XLNX đã mua cũng như tạo lối ra cho thị trường nợ sơ cấp với VAMC. Giải pháp này cũng giúp các AMC thấy được triển vọng trong xử lý đầu ra các khoản nợ đã bán cho VAMC và giảm được áp lực phải nhận lại khoản nợ xấu sau 5 năm bán. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ bán nợ của các AMC đối với VAMC. Tuy nhiên để xử lý vướng mắc ở cả đầu ra và đầu vào trong hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC cần xây dựng một cơ chế phối hợp hiệu quả và chủ động giữa VAMC và các AMC. Theo đó, với tư cách là chủ nợ mới của các khoản nợ xấu, VAMC tăng cường trách nhiệm xử lý và phối hợp cùng các AMC để nhanh chóng thu hồi nợ chứ không chỉ thực hiện chức năng quản lý danh mục và hồ sơ nợ xấu như hiện nay… Phó Giám đốc NCB AMC Dương Tuệ Minh Cần sự vào cuộc đồng bộ AMC là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đẩy nhanh tiến độ chuyển giao nợ xấu từ các ngân hàng sang. Thành công của các AMC phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thể chế, bộ máy tổ chức, môi trường luật pháp, trình tự độc lập về hoạt động… Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan trong việc hướng dẫn quy định pháp luật, thống nhất cách hiểu các quy định pháp luật, cách xử lý đối với các vụ việc để đẩy nhanh quá trình XLNX. Đơn cử như Hướng dẫn của Bộ Tài chính thực hiện việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng TSBĐ để thu hồi nợ xấu theo quy định Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ… Hay như theo quy định tại Nghị quyết 42, công an có nhiệm vụ giữ vai trò đảm bảo trật tự trị an, nhưng trật tự trị an đến mức độ nào khi người có tài sản cố tình chống đối không chịu bàn giao thì ngành công an phải có quy định, hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho các ngân hàng. Điểm nữa là bản thân các ngân hàng phải tích cực trong việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ mang yếu tố lịch sử của những khoản nợ xấu này. Bởi vì xảy ra nợ xấu như vậy một phần do ngân hàng trước đây làm chưa tốt, hồ sơ làm chưa chặt chẽ. Bây giờ nếu chúng ta e ngại mổ xẻ chuyện đó thì những khoản nợ xấu vẫn cứ lòng vòng. Vì vậy, với sự tham gia quyết liệt của tất cả các bên liên quan thì chúng ta mới mong có hiệu quả như mong muốn. |