Xử lý nợ xấu: Cần nguồn lực rất lớn về vốn
Hoạt động mua, bán nợ xấu đã mở rộng
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các chuyên gia tài chính – ngân hàng thì sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD đã tạo chuyển biến tích cực trong việc đánh tan "cục máu đông" của nền kinh tế, như nhiều chuyên gia ví von.
Ảnh minh họa |
Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) theo giá trị thị trường. Thống kê của VAMC cho thấy, doanh số mua nợ thị trường của VAMC đến 15/8/2018 đạt 3.523 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được 3.408 tỷ đồng, tương ứng với 98% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường.
Đặc biệt, đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng đã được mở rộng, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Đồng thời, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công nhiều khoản nợ như khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành với số tiền 301,15 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty Kim Sơn - BIDV, số tiền 9,4 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được mua khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống, thu hút rộng rãi nguồn lực xã hội tham gia xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho rằng, triển khai Nghị quyết 42 được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của NHNN, những vướng mắc về pháp lý trong công tác xử lý nợ xấu nói chung và hoạt động của VAMC nói riêng về cơ bản đã được tháo gỡ. VAMC đã góp phần tích cực cùng với các TCTD xử lý nhanh, dứt điểm, có hiệu quả nợ xấu của toàn hệ thống.
Cũng theo ông Đông, có thể khẳng định Nghị quyết số 42 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như quyền thu giữ tài sản bảo đảm (yêu cầu tại Hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ); Vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết 42; Thủ tục đăng ký, thay đổi giao dịch bảo đảm từ TCTD sang VAMC chưa được hướng dẫn và áp dụng thống nhất tại các địa phương; Việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu bảo đảm bằng dự án bất động sản dở dang cũng gặp nhiều vướng mắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể...
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách
Bên cạnh những vướng mắc trên thì qua diễn biến xử lý nợ xấu, nhiều chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu nhanh, thực chất và hiệu quả cần nguồn lực rất lớn cả về vốn, con người và cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt về vốn. TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, để có thể giảm nợ xấu xuống nữa cần phải tăng vốn điều lệ cho VAMC.
Bởi từ năm 2018, với định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, các TCTD đã đăng ký bán nợ thị trường cho VAMC với tổng số nợ dự kiến bán khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong khi với vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng thì chưa đáp ứng được một phần nhu cầu bán nợ của các TCTD.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, lãnh đạo VAMC đã đề nghị Chính phủ, NHNN cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020. Qua đó đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1058.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý nhằm vận hành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường. Cho phép VAMC mua nợ theo lô, và các TCTD cùng chia sẻ rủi ro với VAMC nhằm thúc đẩy mua bán nợ theo giá trị thị trường. Và cho phép VAMC xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các TCTD nhằm chia sẻ thông tin, phân loại danh mục các khoản nợ xấu/TSBĐ để tạo lập hàng hóa cho thị trường mua bán nợ.
Trong quá trình xử lý nợ xấu, các TCTD cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cụ thể Tổng cục Thuế nhanh chóng ban hành hướng dẫn các Cục/Chi cục thuế địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ. Đối với Bộ Công an, theo các TCTD cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giữ gìn trật tự, an ninh khi các TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ; Với Tòa án nhân dân tối cao xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng xử lý vụ án theo thủ tục rút gọn để việc áp dụng thủ tục rút gọn được áp dụng phổ biến hơn.
Cùng với đó, UBND các cấp cần có quy định cụ thể, phân công trách nhiệm các bộ phận tham gia hỗ trợ các TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ để công tác xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.