GrabTaxi và câu chuyện khởi nghiệp
Ảnh minh họa |
Dòng vốn đó đã nâng tổng số vốn đầu tư của GrabTaxi lên gần 700 triệu USD, khiến cho DN này trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có số vốn đầu tư lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.
“Điều đó không chỉ khẳng định việc GrabTaxi đang thống trị khu vực mà còn cho thấy tiềm năng tăng trưởng của Đông Nam Á so với toàn cầu. GrabTaxi đang dẫn đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp của Đông Nam Á và chúng tôi tự hào đứng ở vị trí này”, ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Công ty GrabTaxi cho biết.
Theo kế hoạch, số tiền đầu tư sẽ được dùng để nâng cao công tác nghiên cứu, phát triển của GrabTaxi, đặc biệt là khi công ty tiếp tục mở rộng các cơ sở kỹ thuật hiện có mặt ở Singapore, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc.
Kể từ khi ứng dụng GrabTaxi được ra mắt vào năm 2012, đến nay đã có hơn 110.000 tài xế sử dụng thiết bị di động có cài đặt ứng dụng này để kết nối với các hành khách tại Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tới nay, ứng dụng GrabTaxi đã được tải xuống hơn 6,1 triệu lượt và hiện đang dẫn đầu thị trường Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, dịch vụ GrabTaxi đã được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 2/2014, tại Hà Nội từ tháng 5/2014 và tại Đà Nẵng từ tháng 6/2015. Bên cạnh đó, dịch vụ GrabBike đã hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từ tháng 11/2014 và tháng 6/2015.
Khởi nghiệp - start up - không phải là một xu thế mới trên thế giới, nhưng gần đây được nhắc đến khá nhiều trong cộng đồng DN. Một cộng đồng DN khởi nghiệp đã được hình thành, là nơi trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, các vấn đề đáng chú ý, đang thu hút nhiều chuyên gia tư vấn, các nhà sáng lập…
Hôm 12/8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có buổi tiếp đón, trao đổi với khoảng 30 công ty khởi nghiệp. Điều này cũng cho thấy lực lượng này đang được quan tâm thế nào, đồng thời cũng là một “cú huých” đối với chính các DN khởi nghiệp của Việt Nam.
Các DN khởi nghiệp đa số hình thành từ các ý tưởng sáng tạo, tận dụng sức mạnh công nghệ để kết nối khoảng cách nhu cầu và khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Họ có những lợi thế khi tận dụng được sức mạnh công nghệ, chi phí bỏ ra ban đầu khá thấp, trong khi triển vọng về thị trường là khá sáng sủa. Thêm vào đó, lợi nhuận cũng là một vấn đề đáng quan tâm, khi chi vận hành phí thấp nhưng nguồn thu đa dạng và khá lớn, ổn định dài hạn…
“Cú đột phá” của một DN khởi nghiệp có thể được hình thành như sau: Một ý tưởng kinh doanh tốt được đầu tư bằng vốn tự có khoảng 500 triệu đồng. Sau vài bước đường ghi dấu ấn của ý tưởng, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu chú ý để xem xét khả năng rót vốn.
Thông thường, bước này là bắt buộc, vì nhà khởi nghiệp hạn chế về tiềm lực tài chính, trong khi DN khởi nghiệp đứng trước sức ép về tốc độ phát triển nhanh. Giả sử để lên được bước tiến mới, theo kế hoạch cần khoảng 30 tỷ đồng, DN có thể đàm phán với nhà đầu tư “đánh đổi” 30 tỷ đồng với 30% cổ phần.
Qua các bước tăng vốn điều lệ, tính toán thặng dư vốn còn lại, chuyển đổi vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phần và chia cho cổ đông tỷ lệ 70/30… Như vậy, từ một ý tưởng kinh doanh tốt, nhà sáng lập chỉ bỏ ra không nhiều tiền nhưng có được một DN quy mô khá lớn, có triển vọng và vẫn giữ được quyền quyết định.
Và trường hợp của GrabTaxi đã trở thành “chuẩn mực” cho khu vực, xác lập một sự đột phá công nghệ và thành công. “Chúng tôi ra đời nhằm giải quyết các thách thức về giao thông trong khu vực. Đa dạng hóa sang các dịch vụ vận tải khác sẽ cho phép chúng tôi phục vụ các đối tượng có mức thu nhập và nhu cầu vận tải khác nhau. Chúng tôi là ứng dụng duy nhất trong khu vực có mạng lưới rộng khắp và một loạt các lựa chọn dịch vụ đa dạng như vậy”, ông Tan chia sẻ.
Khu vực Đông Nam Á hiện đang tỏa sáng trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu do ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn tăng sự hiện diện của mình. Tuy nhiên, làm thế nào để khuếch trương được ý tưởng kinh doanh, định giá chính sách triển vọng của DN, tiếp tục theo đuổi cải cách và đổi mới… không phải là chuyện giản đơn.
“Thị trường” ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp của Việt Nam còn bỏ ngỏ, nhất là sau nhiều lần bứt phá khá ngoạn mục của một số DN về mạng bán lẻ, truyền thông, công nghệ thông tin… nhưng sau đó tầm ảnh hưởng không vươn mạnh được ra khỏi phạm vi tỉnh thành, chứ đừng nói là ra khu vực và thế giới.