Hà Nội: Ngân hàng cùng bình ổn thị trường
Tính đến thời điểm này, các DN đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, chợ với trữ lượng dồi dào. Thành phố đã tích cực đẩy mạnh hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhằm tham gia tốt chương trình bình ổn thị trường Tết 2016.
Sự vào cuộc của các TCTD đã góp phần giúp các DN đẩy mạnh triển khai việc dự trữ và cung ứng hàng hóa |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết của Hà Nội năm nay lên tới 15.000 tỷ đồng, riêng trị giá lượng hàng trong chương trình bình ổn giá đạt 2.556 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia, sữa, xăng dầu, thực phẩm, rau củ quả. Các DN Hà Nội sẽ đồng loạt bán hàng bình ổn giá tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất...
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cũng như bình ổn giá trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân, UBND TP. Hà Nội quyết định tạm ứng vốn trên 236 tỷ đồng cho 10 DN để dự trữ 7 nhóm hàng thiết yếu gồm gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn…
Theo đó, chương trình bình ổn thị trường tại Hà Nội đến tháng 4/2016 được thực hiện theo 3 hình thức là tạm ứng vốn dự trữ hàng hoá từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố phê duyệt với lãi suất 0%; kết nối ngân hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi; tham gia chương trình không tạm ứng vốn.
Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về hỗ trợ bình ổn thị trường, chi nhánh đã chủ động triển khai nhiều chương trình và chỉ đạo các TCTD tích cực tham gia.
Chi nhánh đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai Chương trình “Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2015” theo Kế hoạch số 140/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội; có công văn số 1003/HAN-THP yêu cầu các TCTD, chi nhánh TCTD đăng ký tham gia tháng khuyến mại năm 2015.
Đến nay, các TCTD đã tích cực hưởng ứng, trong đó BIDV đăng ký cho toàn bộ điểm giao dịch của mình trên địa bàn Hà Nội (gồm 29 chi nhánh và 161 điểm giao dịch) tham gia 13 chương trình ưu đãi, khuyến mại sản phẩm dịch vụ ngân hàng - tài chính - bảo hiểm.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND TP. Hà Nội triển khai Chương trình bình ổn thị trường, đã có văn bản hướng dẫn các TCTD đăng ký tham gia chương trình và tiếp cận các DN bình ổn trên địa bàn. Đồng thời cung cấp danh sách các DN tham gia chương trình bình ổn giá cho các TCTD để chủ động tiếp cận cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho DN.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3853/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2015. Nhiều NHTM, chi nhánh NHTM trên địa bàn đã tích cực đăng ký dành vốn tham gia chương trình (VietinBank đứng đầu về việc cam kết đăng ký 1.500 tỷ đồng, tiếp theo SHB cam kết đăng ký 500 tỷ đồng).
Đến hết tháng 10/2015, đã có 11 TCTD đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2015 với tổng lượng vốn đăng ký là 11.901,45 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với kế hoạch đề ra.
Trong đó, nguồn vốn cam kết cho vay ngắn hạn là 9.429 tỷ đồng, với lãi suất cho vay từ 4.4-8.5%/năm; nguồn vốn cam kết cho vay dài hạn là 2.472.45 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 5,99-10%/năm.
Dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường của các TCTD trên địa bàn đã đạt 286.81 tỷ đồng cho 13 DN, trong đó dư nợ ngắn hạn là 190.81 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 6-7%/năm, dư nợ trung và dài hạn là 96 tỷ đồng, với lãi suất là 7-9%/năm.
Có thể nói, sự vào cuộc tích cực của các TCTD đã góp phần giúp các DN đẩy mạnh triển khai thực hiện việc dự trữ và cung ứng hàng hóa với chất lượng và giá cả phù hợp. Qua đó, thực hiện tốt chủ trương của ngành, thành phố và Chính phủ trong việc ổn định thị trường hàng hoá phục vụ nhân dân đón Tết lành mạnh.